AHLĐ HỒ QUANG CUA VỚI HÀNH TRÌNH NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO HẠT GẠO VIỆT

(28/11/2017 - 02:00:58)

Từng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, sau khi về hưu, với niềm say mê dành cho giống lúa thơm quê nhà, Tiến sĩ - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã bắt tay vào mày mò nghiên cứu, lai tạo thành công các giống lúa thơm Sóc Trăng (ST), từ đó cung cấp cho thị trường các loại gạo ST nổi tiếng; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của hàng vạn hộ nông dân, nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định vị thế của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Với sự cần mẫn, kiên trì của Tiến sĩ Hồ Quang Cua cùng các cộng sự, từ hơn 20 năm trước nông dân Sóc Trăng đã biết trồng lúa thơm Khao Dawk Mali với quy mô lớn (7.000 ha) ở vùng mặn phèn ven biển. Đến đầu thế kỷ 21, ông Cua chủ trì nghiên cứu chọn tạo và phóng thích giống lúa ST3 và giống lúa này nhanh chóng được thị trường từ Bắc đến Nam đón nhận. Sau đó, khi các thế hệ đàn em trưởng thành lên, ông Cua đã cùng họ ngày đêm nghiên cứu và lần lượt được Bộ NN&PTNT công nhận 4 giống lúa thơm. Bằng niềm đam mê khoa học và tâm huyết với giống lúa thơm quê nhà, đến nay Tiến sĩ Hồ Quang Cua và các cộng sự đã chọn tạo thành công hơn 20 giống lúa thơm mang tên địa danh quê hương mình, điển hình như: ST đỏ, ST tím, ST 16, ST 19, ST 20…; trong đó giống ST 20 tạo nên dấu ấn rõ nét nhất và nhận được giải thưởng cao nhất trong Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 – năm 2011; được Cục Trồng trọt công nhận giống cây trồng mới (2013); giải thưởng Thành tựu của Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (2014).

Công trình Chọn tạo các giống lúa thơm ST do Tiến sĩ Hồ Quang Cua chủ trì được lãnh đạo Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, Bùi Bá Bổng đã nhiều lần vào thăm và tham vấn kinh nghiệm để phục vụ công tác chỉ đạo của Bộ. Đặc biệt những lần tiếp xúc trực tiếp với Tiến sĩ Hồ Quang Cua cũng là tiền đề để Bộ trưởng Cao Đức Phát ra Chỉ thị về đổi mới công tác nghiên cứu chọn tạo giống vào tháng 5/2015.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia nghiên cứu, lai tạo, ông Cua chia sẻ: “Trong bối cảnh nước ta vừa mới phục hồi xuất khẩu gạo, an ninh lương thực chưa ổn định, tôi đã học tập gương của các thầy vừa nghiên cứu vừa khuyến nông về lúa thơm. Nhờ kiên trì học tập, theo sát thực tiễn sản xuất, dần dần tôi đã vạch ra hướng đi mới “không phải là lúa thơm mùa mà là lúa thơm cải tiến có thể trồng tăng vụ”. Từ đó tôi đã sớm hình thành tư tuy “chất lượng và giá trị thay vì suy nghĩ rất phổ biến đó là chỉ đơn thuần nâng cao sản lượng lúa gạo". Đến thời điểm hiện nay (sau khi 4 giống lúa được Bộ NN&PTNT công nhận và đem lại hiệu quả cao cho nông dân cũng như cho doanh nghiệp, đồng thời lực lượng kế thừa được đào tạo nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã trưởng thành), tư duy của Tiến sĩ Hồ Quang Cua đã được xã hội thừa nhận và đã có những chuyển biến lớn trong hoạt động khoa học công nghệ về giống lúa gạo. Đây cũng có thể xem là thành quả lớn nhất của công việc, nói chính xác hơn là niềm đam mê mà Tiến sĩ Hồ Quang Cua đã miệt mài theo đuổi trong suốt một phần tư thế kỷ.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất