Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC): Chặng đường tái cơ cấu thành công

(16/12/2015 - 08:39:08)

Trong 5 năm, SBIC đã có sự thay đổi hoàn toàn về chất, tái cơ cấu thành công và làm nên những kỳ tích, mở ra cho ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam một tương lai phát triển mới.

Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được thành lập từ Vinashin - một đơn vị mất khả năng chi trả công nợ, sản xuất kinh doanh đình trệ, người lao động (NLĐ) không có việc làm, bị nợ lương, nợ bảo hiểm, Tập đoàn đứng trên bờ vực phá sản, các chủ tàu từ chối đóng mới, các nhà đầu tư và ngân hàng từ chối cho vay, các khoản lãi vay tăng lũy kế theo thời gian…

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu theo kết luận của Bộ chính trị, Nghị quyết và quyết định của Chính phủ, Bộ GTVT, cho đến nay, Tổng công ty đã tái cơ cấu cơ bản xong các khoản nợ lớn, bao gồm cả các khoản nợ vay nước ngoài, ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong nước. Số lãi suất phải trả của SBIC từ 7.500 - 8.000 tỷ đồng/năm, đã giảm xuống mức 2.400 tỷ đồng/năm, chưa kể nhiều khoản gốc được xóa nợ. Với nợ trong nước, đến ngày 30/6/2015, số nợ đã được tái cơ cấu là 16,5 nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ nước ngoài tương ứng với 135 triệu USD cũng được tái cơ cấu xong.

Bên cạnh tập trung cho tái cơ cấu tài chính, SBIC còn quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp, lao động. Trong tổng số 236 DN phải tái cơ cấu, đến nay, TCT đã triển khai được hơn 100 DN và phấn đấu đến hết năm 2015, tái cơ cấu DN cơ bản đạt trên 80%. Cùng với việc tái cơ cấu Tổng công ty, các doanh nghiệp thành viên của SBIC cũng tích cực triển khai cổ phần hóa. Song thực trạng của các đơn vị hiện nay đều bị âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có những đơn vị âm vốn chủ sở hữu với giá trị rất lớn. Vì vậy, để cổ phần hóa được đối với những đơn vị này thì phải được xử lý tài chính để đảm bảo vốn chủ sở hữu dương. Đến nay, SBIC đã thực hiện theo đúng lộ trình mà Chính phủ và Bộ GTVT chỉ đạo: Đã trình Bộ phê duyệt phương án xử lý tài chính đối với 05 đơn vị (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV CNTT Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và CNHH Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long).

Tình hình tài chính SBIC cho tới thời điểm hiện nay đã khởi sắc rõ rệt. Các nhà máy đã có việc làm cho hơn 15.000 lao động. Tại một số đơn vị của SBIC như Công ty TNHH MTV Đóng tàu Sông Cấm, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, công nhân đang làm không hết việc, nhiều lao động thậm chí còn có việc làm tới hết năm 2016, sang năm 2017. Các khoản nợ lương, bảo hiểm dần được giải quyết, thu nhập bình quân người lao động từ mức 3,3 triệu đồng/người/tháng của năm 2010 nay đã tăng lên 4,3 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng hơn cả, tư tưởng cán bộ, đảng viên, người lao động SBIC tin tưởng vào sự lãnh đạo của TCT, cùng nhau đoàn kết sẻ chia khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, cống hiến hết mình để đưa con tàu lớn SBIC vượt qua khó khăn trước mắt, tái cơ cấu thành công.

Khép lại chặng đường 5 năm đầu thực hiện tái cơ cấu, SBIC đã tạo được sự chuyển biễn rõ nét, đồng thời tạo được nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu phát triển một cách bền vững. Song trên chặng đường phát triển tiếp theo vẫn còn nhiều gian nan, thử thách đòi hỏi SBIC cần phải tập trung cao độ, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để vượt qua, tiếp tục là trụ cột trong công cuộc đưa ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam bước sang một tương lai phát triển tươi sáng hơn.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất