Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin: 35 năm xây dựng và phát triển - Một chặng đường vinh quang

(20/04/2015 - 01:53:43)

      Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin (VVMI) (tiền thân là Công ty Than III) được thành lập ngày 01/7/1980. Qua 35 năm xây dựng và trưởng thành từ một công ty kinh doanh than là chính, nay đã trở thành Tổng Công ty có nền tảng cơ bản vững chắc, với 15 công ty thành viên, trực thuộc, sản xuất kinh doanh tăng trưởng, đời sống CBNV-LĐ ổn định, xứng đáng là Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong ký ức của những cán bộ, nhân viên và người lao động gắn bó với Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc từ những năm đầu thành lập, Tổng Công ty đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách: Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chính là than rất khó tiêu thụ cho các hộ công nghiệp, các sản phẩm khác cũng chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường… Song với tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” rất đáng tự hào của người thợ mỏ, Tổng Công ty đã khắc phục những khó khăn, bước đầu ổn định sản xuất, đời sống CBNV-LĐ dần được cải thiện.

Từ định hướng lâu dài cho sự phát triển của doanh nghiệp, năm 1992, ông Đoàn Văn Kiển - Giám đốc Công ty lúc bấy giờ đã trực tiếp xây dựng chiến lược phát triển “Sản xuất kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than”. Đây chính là kim chỉ nam cho sự phát triển và đã được các thế hệ lãnh đạo CBNV-LĐ qua các thời kỳ kế tục và phát huy. Những bước trưởng thành vững chắc của Tổng Công ty sau này đã khẳng định sự đúng đắn của chiến lược kinh doanh đa ngành.


Thời kỳ mới thành lập, Tổng Công ty chỉ quản lý và khai thác 3 mỏ than (Núi Hồng, Na Dương, Khánh Hoà) với công suất trên 2 triệu tấn/năm. Năm 1993 dây chuyền I Nhà máy Xi măng La Hiên với công suất 44.000 tấn xi măng/năm được khởi công và đến cuối năm 1995 dây chuyền II cũng được hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định và đã cung ứng cho thị trường vùng nội địa hàng triệu tấn xi măng, góp phần vào việc phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa thuộc chiến khu Việt Bắc.

Xác định sản xuất than và xi măng là sản phẩm chính, Tổng Công ty đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất xi măng từ công nghệ lò đứng sang công nghệ lò quay hiện đại; đồng thời xây dựng Nhà máy Xi măng Tân Quang - công suất 910.000 tấn/năm tại tỉnh Tuyên Quang và Nhà máy Xi măng Quán Triều - công suất 750.000 tấn/năm tại tỉnh Thái Nguyên. Hai nhà máy này đi vào hoạt động đã nâng cao năng lực sản xuất xi măng của Tổng Công ty lên gần 3 triệu tấn/năm; góp phần khẳng định chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành, nghề còn có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho một lượng lao động lớn tại các địa phương.

Với định hướng đúng đắn kết hợp với trí tuệ và sức mạnh của đội ngũ CBNV-LĐ, nên mặc dù hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Tổng Công ty đã đạt những kết quả đáng khích lệ, luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh được Tập đoàn giao. Trong năm 2014, Tổng Công ty gặp rất nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới chậm phục hồi, thị trường tiêu thụ than, xi măng tăng trưởng thấp nhưng với tinh thần đoàn kết và truyền thống khắc phục mọi khó khăn nên một số chỉ tiêu chủ yếu của vẫn đạt so với kế hoạch, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Cụ thể: Tổng doanh thu đạt 4.583 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than đạt 1.346 tỷ đồng, doanh thu sản xuất vật liệu xây dựng đạt 1.779 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 369 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân đạt gần 5,6 triệu đồng/người/tháng… Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã thực hiện được khối công việc đồ sộ, từ sắp xếp lại lao động, cổ phần hóa công ty con đến tái cơ cấu toàn Tổng Công ty, đặc biệt là chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn: Thăm dò và khai thác xuống sâu các mỏ than Núi Hồng, mỏ than Khánh Hòa, nâng công suất mỏ Na Dương.

Chia sẻ về định hướng phát triển của Tổng Công ty trong năm 2015, Tổng Giám đốc Bùi Trần Đông cho biết: Tổng Công ty sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho đổ thải, tập trung cho sản xuất ở Công ty Than Khánh Hòa, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác xuống sâu và khai thác than theo công nghệ hầm lò. Đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thị và tiêu thụ xi măng, hạ giá thành sản phẩm để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, tinh giảm biên chế gián tiếp, phấn đấu nâng cao thu nhập cho người lao động và thực hiện xong mục tiêu cổ phần hóa Công ty mẹ theo lộ trình đã được Chính phủ và Tập đoàn TKV phê duyệt.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất