CỰU CHIẾN BINH, DOANH NHÂN BÙI ĐẮC QUANG: GỬI GẮM TÂM HUYẾT TRONG TRÀ GIẢO CỔ LAM

(24/11/2017 - 03:57:25)

“Một doanh nghiệp muốn có thành công thì quan trọng nhất phải có cái Tâm, cứ làm thật tốt thì ắt cộng đồng sẽ tặng cho chữ Tín. Khi đã có chữ Tín thì có tất cả”. Câu nói trên là của một người cựu chiến binh đã dành cả tuổi thanh xuân trên chiến trường, rồi khi trở về cuộc sống thường nhật anh vẫn không ngừng lao động sang tạo làm giàu cho quê hương. Anh là “Vua Giảo cổ lam” - Doanh nhân, Cựu chiến binh Bùi Đắc Quang.

Một cuộc đời như những trang tiểu thuyết

Đó là cảm nhận của cá nhân tôi khi nghe câu chuyện cuộc đời anh Bùi Đắc Quang, một con người bình dị như bao người tôi đã gặp nhưng những gì anh đã trải qua để đi tới thành công, nghị lực và sức sống bền bỉ trong anh thật khiến người ta nể phục.

Theo lời kể của anh, thời gian trôi ngược về mấy mươi năm trước, khi anh vẫn còn là cậu thanh niên trai trẻ, mang trong tim đầy ắp hoài bão, ước mơ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tuổi trẻ của Bùi Đắc Quang là những năm tháng theo nhịp bước quân hành, dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Anh luôn tự hào đã có một tuổi trẻ đầy ý nghĩa, được vinh dự đóng góp công sức trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt, mặt trận biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc với bao gian khổ, hy sinh. Đã bao lần vào sinh ra tử, hành quân qua những cánh rừng xác xơ vì hứng chịu chất độc hóa học, song anh tự nhận vẫn “may mắn” hơn biết bao đồng đội khi còn trở về với một cơ thể lành lặn. Chiến tranh qua đi, người lính năm xưa tiếp tục con đường binh nghiệp, ở lại phục vụ trong quân đội, tiếp tục học hành để nối lại giấc mơ đại học dang dở vì chiến tranh. Sau đó anh chuyển về công tác tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng phát triển Đông Đô (Bộ Quốc phòng). Công việc mang đến cho anh cơ hội được đi nhiều nơi, tham gia xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, làm “thay da đổi thịt” nhiều vùng đất, cho đến khi được nghỉ chế độ vào năm 2000.

Đến đây, giọng anh như chùng xuống, có lẽ đây chính là “khoảng lặng” trong cuộc đời anh. Lúc này, tình cảm giữa hai vợ chồng rạn nứt, không còn tiếng nói chung nên hai người quyết định chia tay, mọi tài sản anh để lại cho vợ con, còn mình tay trắng ra đi. Tinh thần sa sút lại cộng thêm nhiều căn bệnh nặng dồn đến khiến anh quyết định ra đi để tìm một cuộc sống mới, huyện miền núi Đà Bắc là nơi anh chọn để gửi gắm niềm tin đó.

Nhân duyên với Giảo cổ lam

Anh Quang tâm sự rằng, ở vào tuổi trung niên, những mất mát anh phải trải qua không dễ chấp nhận, nhưng mình vốn là người lạc quan, đã được tôi luyện qua gian khổ chiến tranh nên tự nhủ lòng phải bình tĩnh đón nhận và tìm cách vượt qua. Chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân vùng núi, anh không khỏi trăn trở với câu hỏi: Làm gì để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp người dân quê hương cùng thoát nghèo? Bằng vốn tri thức sẵn có cùng những kinh nghiệm qusy báu có được trong những năm tháng ở quân ngũ, với sự nhiệt huyết, niềm tin sắt đá rằng “có chí thì nên”, người cựu chiến binh ấy đã hăm hở bước vào cuộc chiến mới trên mặt trận thương trường.

Năm 2005, anh Quang quyết định vay 100 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc và huy động từ gia đình, anh em, họ hàng được tổng cộng 350 triệu đồng để mở dự án trồng gấc. Dù rất tâm huyết với dự án, đầu tư bài bản nhưng do kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, chưa lường hết được sự khó khăn, phức tạp khi làm kinh tế nên anh Quang đã thất bại.

Dự án thất bại, sức khỏe vốn không tốt lại cộng thêm nợ nần khiến anh gần như suy sụp và phải nhập viện với nhiều chứng bệnh như: Huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường tuýp II, tràn dịch màng phổi, rồi vôi hóa tuyến tùng, vôi hóa mạch mạc 2 thất não khiến anh bị liệt nửa người, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Những ngày dài nằm trong bệnh viện, anh rất bi quan, không tin là mình có thể qua khỏi. Nhưng “ở hiền gặp lành”, chính trong những ngày tháng đen tối đó anh đã gặp được “ánh sáng hy vọng”, “chìa khóa” làm thay đổi cuộc đời mình. Qua câu chuyện giữa các bệnh nhân trong phòng, anh vô tình biết đến công dụng thần kỳ của cây thuốc Giảo cổ lam nên đã mua về dùng thử. Kết quả là sức khỏe được cải thiện rõ rệt, bệnh tật cũng dường như tan biến. Càng tìm hiểu về công dụng của Giảo cổ lam, anh càng bị cuốn hút và quyết tâm lặn lội lên đỉnh núi Ba Tri thuộc huyện Đà Bắc để tìm thuốc quý.

Khó khăn, vất vả những lúc một thân một mình trong rừng già hay chênh vênh trên những mỏm núi đá đầy hiểm nguy thật khó mà diễn tả hết bằng lời. Có lần anh bị vắt rừng bủa vây hút máu, có khi bị ngã kẹp giữa hai vách núi đá, gãy 5 chiếc xương sườn, có lúc tưởng sẽ “bỏ xác” trong rừng rậm,... Có lẽ nếu không có ý chí kiên cường của một người lính Cụ Hồ thì anh Quang đã không thể vượt qua được. Tìm được cây đã khó, việc kiểm tra xem có đúng là Giảo cổ lam không cũng khổ không kém. Mỗi lần tìm được cây trông giống hình mẫu anh Quang lại vượt hàng trăm cây số xuôi về Hà Nội tìm đến những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Giảo cổ lam để xác minh. Trời không phụ lòng người, sau hàng trăm chuyến đi, cuối cùng anh cũng tìm thấy bãi Giảo cổ lam xanh mơn mởn mọc trên một sườn núi.

Gieo yêu thương làm đẹp cho đời

Sau khi tìm được cây Giảo cổ lam, ban đầu anh thu hái, chế biến và đóng gói trà theo cách thủ công. Đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của các kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội anh đầu tư lắp đặt hệ thống máy sấy tự động; máy đóng gói theo công nghệ hút chân không; máy dán nhãn. Lượng khách hàng biết đến trà Giảo cổ lam của anh mở rộng ra nhiều tỉnh thành, số lượng đặt hàng cũng tăng lên.

Hiểu rõ rằng Giảo cổ lam hoang dã khai thác mãi cũng hết nên anh Quang bắt tay vào việc nghiên cứu nhằm nhân giống cây Giảo cổ lam để bảo tồn nguồn gene thuần chủng và đảm bảo chất lượng cây trồng không bị giảm sút so với cây hoang dã. Việc tiến hành lai ghép, nhân giống cây Giảo cổ lam là một hành trình gian nan nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa nhân văn nhất. Sau hàng trăm lần thất bại, cuối cùng anh tìm ra một cách hiệu quả, có thể đưa giống cây Giảo cổ lam ra trồng trên diện rộng. Phương pháp nhân giống Giảo cổ lam của anh Quang vô cùng đặc biệt, chỉ với một lá sau ba tháng chăm sóc cùng với sự đòi hỏi về kỹ thuật cao, anh đã tạo ra được một cây giống khỏe mạnh. Việc trồng, chế biến trà thảo dược Giảo cổ lam của Công ty TNHH Hoàng Tùng đã tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo; đặc biệt là đã giúp cho hàng ngàn người thoát khỏi nỗi lo bệnh tật, sống vui, sống khỏe. Sự tận tâm, tận lực của anh đã xây dựng được thương hiệu “Giảo cổ lam Ba Tri” nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Anh cũng được giới doanh nhân ưu ái dành tặng danh hiệu “Vua Giảo cổ lam Việt Nam”.

Là người đã trải qua nhiều khó khăn nên anh luôn thấu hiểu đạo lý “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Tấm lòng nhân ái của anh được thể hiện không chỉ khi đã thành công, mà nó còn được bộc lộ ngay trong những ngày chiến tranh gian khổ. Người lính cụ Hồ đó thường nhường cơm cho những em bé nghèo khổ nơi mình đóng quân, nhường áo cho những cụ già khi trời trở lạnh. Khi có điều kiện kinh tế, anh càng tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là giúp đỡ những gia đình thương binh liệt sĩ, những đồng đội một thời kề vai sát cánh cầm súng chiến đấu, như ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia ủng hộ chương rình “Tri ân Liệt sĩ”, “Tri ân tháng bảy”, “Đi tìm đồng đội”, “Xoa dịu nỗi đau da cam”, đóng góp cho quỹ học bổng học sinh nghèo vượt khó, quỹ học bổng Vừ A Dính,...

Với cái tâm trong sáng, không quản gian nan, vất vả trong hành trình tìm cây thuốc quý trị bệnh cứu người, anh Bùi Đắc Quang đã được tuyên dương là “Doanh nhân - Cựu chiến binh tiêu biểu, làm kinh tế giỏi”; sản phẩm trà thảo dược Giảo cổ lam Ba Tri của Công ty TNHH Hoàng Tùng được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải Bạc giải thưởng “Chất lượng Quốc gia”, “Cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng”,… Giờ đây, trong căn phòng khách được bài trí trang trọng là nơi anh lưu giữ những phần thưởng cao quý đã được Nhà nước, các Bộ, ngành trao tặng. Mỗi tấm Bằng khen, Giấy khen, mỗi chiếc Cúp vàng, Cúp bạc, Kỷ niệm chương là một câu chuyện về tinh thần lao động không mệt mỏi của chủ nhân. Trong đó, phần thưởng anh trân trọng nhất là “Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam - lần thứ nhất” được Bộ NN&PTNT trao tặng“Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương” của Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Tấm lòng nhân ái, đong đầy yêu thương của anh vô cùng xứng đáng với danh hiệu “Trái tim vàng Việt Nam” được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng. Một nguồn động viên lớn với anh là đã được Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ xây dựng phóng sự là tấm gương điển hình của cuộc vận động “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được tặng Bảng vàng lưu danh là “Doanh nhân Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh”.

Cuộc đời doanh nhân Bùi Đắc Quang đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có vui, có buồn, có lúc thất bại, đắng cay, có thành công, hạnh phúc. Những chuyện không vui nay đã lùi vào quá khứ, chỉ còn một cựu chiến binh, doanh nhân Bùi Đắc Quang của hiện tại đã ghi dấu ấn thành công với thương hiệu “Giảo cổ lam Ba Tri”, một doanh nhân “tài - đức” vẹn toàn, bên cạnh là một người vợ hiền, đảm đang, tháo vát và một cậu con trai chăm ngoan, học giỏi. Hạnh phúc đến với anh tuy có chút muộn màng nhưng rất đỗi ngọt ngào, bởi thế anh đã và sẽ tiếp tục tri ân cuộc đời bằng việc san sẻ niềm vui cho những người xung quanh, cho đồng đội bằng cách ngày ngày tỉ mẩn ươm trồng và phát triển cây thuốc quý Giảo cổ lam, gieo yêu thương cho cây đời mãi tươi xanh.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất