CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MASAN: THÀNH CÔNG NHỜ LẤY NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ TRUNG TÂM

(27/03/2015 - 01:10:07)

      Với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam, những sản phẩm nước mắm Chin-su, Nam ngư, nước tương Chin-su, Tam thái tử, tương ớt Chin-su, hạt nêm Chin-su không bột ngọt, mì ăn liền Omachi, Kokomi và đồ uống: Cà phê hòa tan, nước khoáng Vĩnh Hảo,… đã trở nên rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng những sản phẩm này do một công ty Việt 100% sản xuất bởi cái tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San mới nghe qua có vẻ “rất tây”.

Xây dựng lòng tin với người tiêu dùng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) là một trong những công ty lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên. Từ ý tưởng của một nhóm du học sinh,  Masan Group khởi nghiệp và thành công ở xứ sở Bạch Dương xa xôi trước khi được Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang đưa về Việt Nam. Những ngày đầu thành lập, từ một vài thùng mì ăn liền chủ yếu để bán cho người Việt tại Nga, Masan đã xây cả một nhà máy có công suất 30 triệu gói/tháng. Từ mì gói, Masan đã cung cấp cho thị trường  Nga nào nước tương, nước mắm và tương ớt - là những gia vị mà người Nga ít khi sử dụng. Cũng vì lý do này, khi nhắc đến ông Quang, người ta thường gắn cho ông danh hiệu “Người dạy dân Nga ăn mì gói và tương ớt”.

     

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc

Năm 2002, ông Nguyễn Đăng Quang đưa toàn bộ Công ty về nước với quan niệm “Việt Nam luôn là nền tảng, còn Nga hay những nước khác đều là thị trường”. Những chai nước tương, nước mắm, gói mì mang thương hiệu Chinsu của Masan đã không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn là thách thức đối với những thương hiệu đa quốc gia. Sự cố “nước tương giả” năm 2006 đã khiến thương hiệu Chinsu chao đảo tưởng không gượng dậy nổi. Nhưng sau khi được minh oan, Chinsu càng được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Năm 2007, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Masan đã công bố tặng công nghệ sản xuất nước tương sạch, không có 3-MCPD cho tất cả những cơ sở sản xuất nước tương Việt Nam mà không đòi hỏi điều kiện nào về tài chính. Lý giải cho hành động này, Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang nói: “Bí quyết là sự sống còn của mỗi doanh nghiệp nhưng để phát triển, chúng tôi không chỉ dựa vào mỗi công nghệ. Chúng tôi biếu không công nghệ vì điều đó có lợi cho toàn ngành sản xuất và tất nhiên chúng tôi cũng được hưởng lợi khi người tiêu dùng tin tưởng vào ngành sản xuất này”.

Trong khó khăn càng vững vàng

Với tiềm lực tài chính mạnh, Tập đoàn Masan đã tiến hành khá nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong vài năm qua như: Thương vụ mua Vinacafé Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, cám Con Cò, mỏ đá kim Núi Pháo, bia Phú Yên. Hiện tại, Tập đoàn Masan nắm quyền kiểm soát 77,4% Masan Consumer - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sẩn xuất thực phẩm tại Việt Nam xét theo doanh thu, 75,9% Masan Resources - một trong những công ty tài nguyên lớn và 30,4% Techcombank - là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, thị trường thực phẩm, hàng tiêu dùng ngày càng cạnh tranh khốc liệt nhưng nhờ khẳng định được uy tín và chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin bền vững với người tiêu dùng nên hoạt động kinh doanh của Masan vẫn rất khả quan. Lũy kế cả năm 2013, Tập đoàn Masan đạt 11,943 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Năm 2014 Masan kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn nhờ doanh thu và lợi nhuận của Masan Resources đem lại. Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, Masan đạt doanh thu thuần 10.833 tỷ đồng, tăng 44% so với 9 tháng đầu 2013; mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan tiếp tục tăng trưởng cao với mức doanh thu thuần tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là một doanh nghiệp Việt, Masan luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy Masan luôn thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện. Trong chiến lược phát triển của mình, Masan luôn chú trọng phát triển kinh tế địa phương nơi Tập đoàn có nhà máy hoạt động. Mới đây nhất, Tập đoàn Masan đã quyết định lựa chọn địa điểm tại Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An để đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Miền Bắc của Masan. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.200 tỷ đồng, tọa lạc trên diện tích 6,33 ha; khi đi vào sản xuất ổn định sẽ trực tiếp sử dụng trên 1.100 lao động, đóng góp ngân sách và an sinh cho tỉnh.

Văn hóa Masan

Luôn hướng tới khách hàng là phương châm hoạt động xuyên suốt của Tập đoàn Masan. Mỗi thành viên của Masan đều hiểu rằng “Hội tụ và muôi dưỡng khát vọng và tài năng để tìm kiếm sự đột phá nhằm nâng cao lợi ích của sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Chính vì vậy khách hàng sẽ thưởng cho chúng ta bằng doanh số, lợi nhuận dẫn dầu và sự phát triển bền vững”.

Với 4 giá trị nền tảng “Con người là tài sản và là nguồn lực cạnh tranh - Tiên phong khai phá  - Hợp tác cùng phát triển và hài hòa lợi ích với các đối tác - Tinh thần dân tộc”, mọi nhân viên đều cảm nhận được nét đặc trưng của văn hóa Masan là: Một văn hóa quyết liệt đạt mục tiêu, một văn hóa không nói nhiều đến khó khăn mà phải biết làm chủ công việc của mình. Dù xuất thân từ đâu, kinh nghiệm bản thân, quá trình làm việc ra sao, nhưng Masan luôn tôn trọng và biết cách tận dụng “sự khác biệt” giữa các cá nhân để tạo sức mạnh, phát huy năng lực của từng thành viên. Đó cũng chính là bí quyết để Masan tạo dựng thành công tại thị trường Việt Nam.

 

 

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất