Gần 20 DN chế tạo hàng đầu Nhật Bản tham gia Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017

(23/02/2017 - 01:36:26)

Nhằm tạo cơ hội giao thương, thúc đẩy hợp tác, kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo của Việt Nam và Nhật Bản, nhất là tìm kiếm nhà cung cấp, mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư, Hội chợ Giao thương ngành chế tạo Hà Nội lần thứ nhất (Factory Network Asia Business Expo 2017 - FBC Hanoi 2017) do Công ty cổ phần NC Network Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ, đồng hành của Sở Công thương Hà Nội, Tập đoàn FNA và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO. Hội chợ sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24-2 tại Cung triển lãm Kiến trúc, quy hoạch và xây dựng Quốc gia (số 1 đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội chợ lần này được tổ chức đồng thời với "Triển lãm gia công phụ tùng Nhật Bản 2017" do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội chủ trì. Gần 20 doanh nghiệp chế tạo hàng đầu Nhật Bản đang có mong muốn tìm nhà cung cấp tại Việt Nam sẽ tham gia triển lãm. Các doanh nghiệp của Hội chợ FBC Hanoi 2017 sẽ được ưu tiên tiến hành đăng ký trao đổi với các doanh nghiệp này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế tạo của hai nước tiếp xúc, giao thương hợp tác, mở rộng kinh doanh.

Là một hội chợ lớn, chuyên biệt, quy tụ đông đủ các doanh nghiệp chế tạo, cho nên FBC Hanoi 2017 đã thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo trên địa bàn thành phố tham gia. 138 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia gian hàng, hơn 400 doanh nghiệp đăng ký giao dịch và số lượng giao dịch được đăng ký tới thời điểm này đã lên tới hơn 835 lượt. Dự kiến sẽ có hơn 3.000 lượt khách tham quan hội chợ. Các doanh nghiệp có thể đăng ký, kết nối trước bằng cách đăng ký thông tin trên trang web của hội chợ tại www.fbchanoi.factorynetasia.com, sau đó tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp và gửi đề nghị được trao đổi với doanh nghiệp tại triển lãm.

Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ FBC Hanoi 2017 là các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện, doanh nghiệp ngành chế tạo; các doanh nghiệp gia công, chế tạo linh phụ kiện. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm của các doanh nghiệp đem tới hội chợ rất đa dạng. Từ sản phẩm linh, phụ kiện ô-tô, xe máy, thiết bị linh kiện điện tử, dụng cụ máy móc chính xác, các sản phẩm nhựa, cao-su…

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực tạo năng lực cốt lõi cho phát triển công nghiệp, nhưng thời gian qua, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chưa dành nhiều sự quan tâm và tập trung phát triển, chưa tạo được bước tiến đột phá. Giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 30 năm mới tăng 1,6%. Theo Niên giám thống kê Hà Nội năm 2015, thành phố có hơn 97 nghìn doanh nghiệp, nhưng chỉ có 12 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,5%), còn khá thấp so với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng... lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu. Vì vậy, Quy hoạch phát triển công nghiệp Hà Nội đến năm 2020 và Đề án phát triển công nghiệp Hà Nội tới năm 2020 đều đặt ra mục tiêu tăng cường phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Các ngành sản xuất cơ khí chế tạo; điện tử và công nghệ thông tin... sẽ là trọng tâm phát triển của thành phố. Do đó, rất cần những giải pháp đồng bộ trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Tổ chức hội chợ chuyên biệt về ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo, liên kết với triển lãm gia công phụ tùng của Nhật Bản lần này được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong lĩnh vực này, nhất là thu hút đầu tư FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính và năng lực mạnh, một mặt sẽ cung cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, mặt khác có thể trợ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua giao thương, hợp tác, các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo trong nước cũng học hỏi được công nghệ mới, hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm và tham gia xuất khẩu. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, kêu gọi đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khác về công nghệ, nhân lực, thị trường…, thành phố Hà Nội đang nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp phát triển, góp phần hiện đại hóa kinh tế Thủ đô.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất