Tổ chức diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia 2017

(21/11/2017 - 03:39:58)

Ngày 20-11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức Diễn đàn thúc đẩy thương mại đầu tư Việt Nam - Campuchia 2017 với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, lãnh đạo một số bộ liên quan của hai nước và đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia. Thông tin chi tiết trên báo Nhân dân Điện tử cho biết:

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Trác Toàn vui mừng thông báo, từ đầu năm đến nay, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, các bộ ngành, địa phương hai nước đã phối hợp chặt chẽ tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Theo Đại biện lâm thời Nguyễn Trác Toàn, về đầu tư, Việt Nam hiện có khoảng 196 dự án tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, nằm trong năm nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Vương quốc Campuchia.

Hiện Campuchia có 18 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 58 triệu USD.

Mười tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 31,5 % so cùng kỳ năm 2016. Dự kiến cả năm nay sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Về du lịch, nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là nước dẫn đầu về lượng du khách tới Campuchia với gần một triệu lượt người.

Tuy nhiên, Đại biện lâm thời Nguyễn Trác Toàn cho rằng, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác.

Do vậy, Diễn đàn này nhằm cung cấp thông tin cập nhật về chính sách thương mại, đầu tư cũng như các ưu đãi cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị với cơ quan chức năng hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Tại Diễn đàn, những tham luận, ý kiến của đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (AVIC), Bộ Thương mại Campuchia, Hội đồng Phát triển Campuchia, và một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia, đã nêu lên những cơ hội đầu tư tại Campuchia, thuận lợi và khó khăn trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và trong một số lĩnh vực đầu tư cụ thể mà các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai tại Campuchia, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Tham luận của đại diện Bộ Công thương Việt Nam cho rằng, Campuchia còn có nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác đầu tư như nuôi trồng, sản xuất, chế biến các loại nông sản, lâm sản và thủy sản; các dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, y tế, hàng không; chế biến chế tạo…

Theo ông Suon Sophal, Vụ trưởng Vụ Quan hệ công chúng và xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC - tổ chức chịu trách nhiệm về cấp giấy phép và giám sát hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia), Campuchia đang ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nông - công nghiệp, chế biến nông sản, du lịch, chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô-tô, ngành điện và điện tử, ngành sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao.

Còn theo ông Hosivyong, Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại Campuchia), Campuchia đang triển khai việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trực tuyến qua mạng internet và đang thí điểm giao quyền cho các tỉnh thực hiện việc này nhằm tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp và tránh hiện tượng tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả tích cực và yếu tố thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Tổng Thư ký AVIC Hà Thị Thanh Bình đã nêu lên khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đang phải đối mặt như: tình hình chính trị tại Campuchia còn có những bất ổn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam đã được Chính phủ Campuchia chấp nhận xem xét đến nay vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm; lệ phí xin cấp thị thực, giấy phép lao động còn cao; có loại thuế còn bất hợp lý; chế độ phí, thuế xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất cho thiết bị, vật tư thực hiện dự án còn có những phiền hà, khó khăn…

Cũng theo bà Thanh Bình, còn một nguyên nhân chủ quan về phía doanh nghiệp Việt Nam, đó là có những doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ thị trường, một số bộ phận nhỏ còn tư tưởng kiếm dự án để chuyển nhượng mua bán kiếm lời; năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Thay mặt hơn 100 doanh nghiệp thành viên AVIC, bà Thanh Bình kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong thực hiện các thỏa thuận, cam kết về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; rà soát, hoàn thiện khung pháp lý trong hợp tác kinh tế hai nước, trong đó có việc hoàn thành ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần; sớm phổ biến, hướng dẫn và triển khai cụ thể, có hiệu quả các hiệp định đã ký kết; thúc đẩy các ngân hàng thương mại hai nước sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán biên mậu phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế; có giải pháp phối hợp chống hàng giả và đặc biệt là có biện pháp ngăn ngừa đối với tin đồn thất thiệt với hàng hóa của Việt Nam…

Trong phần thảo luận tại Diễn đàn, các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia xoay quanh thủ tục xuất nhập khẩu, đăng ký để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, quy định về một số loại thuế, phí cụ thể…

Đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia và các bộ của hai nước dự Diễn đàn đã ghi nhận và hứa sẽ chuyển những ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của các doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia để sớm có phản hồi và tìm cách tháo gỡ.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất