Bán vốn Nhà nước - Thông điệp mở cửa theo cam kết TPP

(15/10/2015 - 04:41:55)

Sau khi thông tin Nhà nước sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hàng đầu, đặc 
biệt là Vinamilk với giá 
trị hơn 2,5 tỉ USD, nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái hợp lý nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm vốn đầu tư. Đồng thời là thông điệp cho thấy nhiều lĩnh vực quan trọng sẽ được mở cửa theo cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù hiệp định này vẫn chưa được công bố.

Sau khi danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn toàn bộ được công bố, nhiều chuyên gia cho rằng đây không chỉ là thông tin tốt với thị trường chứng khoán, mà còn chứa nhiều thông điệp tích cực đối với hoạt động cổ phần hóa trong tương lai.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nói “Việc Nhà nước thoái hết vốn tại những doanh nghiệp này là động thái tất yếu nếu muốn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Bởi nếu không bán “cục thịt” mà chỉ bán những “cục xương” thì sẽ không nhà đầu tư nào quan tâm” .

Đặc biệt, theo nhận định của ông Tuấn, động thái này của Chính phủ cũng chứa nhiều thông điệp, một trong số đó có thể nhằm thực hiệm cam kết mở cửa thị trường hơn nữa khi tham gia TPP. “Do TPP chưa được công bố nên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định, nhưng động thái này cho thấy một số lĩnh vực như sữa, công nghệ, bảo hiểm... có thể nằm trong danh mục sẽ được mở cửa, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn” - ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng động thái này cũng là thông điệp cho thấy Nhà nước sẽ sớm nới room (tỉ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang được nhiều nhà đầu tư trông ngóng từ lâu. “Một khi Nhà nước nới room cho nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc theo cam kết TPP, chắc chắn hoạt động cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ tốt hơn” - ông Tuấn nói.


 “Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu tiền để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối, như Vinamilk chẳng hạn, là bước đi hợp lý” - chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân nói.

Theo ông Lân, hầu hết doanh nghiệp trong danh sách này đều nắm giữ thị phần lớn trong ngành và kinh doanh khá hiệu quả, nên chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp cùng ngành. “Chẳng hạn với Vinamilk, việc bỏ vốn dài hạn vào cổ phiếu này cũng rất hiệu quả căn cứ vào quy mô thị trường, tăng trưởng doanh thu, tỉ suất lợi nhuận...” - ông Lân nhận định.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất