Thị trường bán lẻ Việt Nam trước làn sóng hội nhập

(18/03/2016 - 10:13:18)

Trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, các tập đoàn lớn của nước ngoài thi nhau đẩy mạnh đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm “thôn tính” thị trường bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực vượt khó, nếu doanh nghiệp (DN) Việt không có chiến lược, hướng đi hợp lý, chắc chắn sẽ mất thị phần trên thị trường nội địa.

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian gần đây tiếp tục chứng kiến hàng loạt “đại gia” lĩnh vực bán lẻ có tiếng trên thế giới tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam. Đầu tiên, phải kể tới Tập đoàn Auchan (Pháp), với chuỗi siêu thị Simply Mart sẽ chính thức hoạt động ở miền bắc và cung ứng từ 1.000 đến 4.500 chủng loại sản phẩm gia dụng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Hà Nội từ năm 2016. Năm 2020, Auchan phấn đấu phủ kín khu vực phía bắc với 20 siêu thị. Tại thị trường phía nam, Auchan đã hợp tác với Tập đoàn C.T để phát triển hệ thống siêu thị S-Mart và đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống Simply Mart trong thời gian tới.

“Đại gia” bán lẻ hàng đầu Nhật Bản là Aeon cũng nhanh chân mở Trung tâm thương mại Aeon Mall (Long Biên, Hà Nội) trên diện tích 120 nghìn m2, sau khi đã thành công với hai trung tâm Aeon Mall ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Thời gian tới, Aeon mở thêm 10 đến 20 trung tâm thương mại. Một số nhà bán lẻ hàng đầu Thái-lan như Tập đoàn Berli Jucker Public Company Limited (BJC) sau khi mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, chuỗi Family Mart (nay đổi thành B’Mart) của Nhật Bản trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái, tiếp tục tuyên bố muốn mua lại thương hiệu Big C.

Sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các “đại gia” bán lẻ nước ngoài đã không ngừng đổ bộ vào Việt Nam, từ Metro Cash&Carry, tới Big C, Lotte và bây giờ là Aeon, Auchan,… Các thế mạnh của họ về vốn, công nghệ, trình độ quản trị DN hiện đại, chuyên nghiệp khiến các cảnh báo về việc nhà đầu tư ngoại thâu tóm thị trường trong nước không ít lần được đưa ra.

Các DN bán lẻ nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng cả sản xuất và tiêu dùng. Do quy mô của họ lớn, chiếm từ 40 đến 45% so với quy mô của các DN trong nước cho nên chỉ riêng một DN ngoại đã bán gấp 10 lần doanh số của DN Việt Nam. Trong khi đó, các DN Việt Nam lại thiếu sự liên kết, không có chiến lược phát triển, nhân lực không được đào tạo bài bản dẫn tới quản trị DN yếu, năng suất thấp,...

Muốn thị trường bán lẻ Việt Nam thật sự phát triển, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể mạng lưới bán lẻ, siêu thị phù hợp. Phải có các cơ chế, chính sách về quỹ đất; hỗ trợ DN trong nước phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện để DN tiếp cận các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý. Mặt khác, các DN trong nước cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường truyền thông đến người tiêu dùng để ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất và tiêu thụ,... Có như vậy, DN trong nước mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với DN nước ngoài và tránh xảy ra tình trạng bị các “đại gia” bán lẻ hàng đầu thế giới thâu tóm trong thời gian không xa.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất