Xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2016 đạt 11,8 tỷ USD

(12/01/2017 - 04:04:12)

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt may Việt Nam cả năm 2016 ước đạt 28,3 tỷ USD, chỉ tăng 5,7% so với năm 2015.

Trong đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đều chứng kiến sự đi xuống, đạt mức tăng trưởng thấp. Điển hình là thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,8%.

Tương tự, xuất khẩu sang EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,3%, Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 5,4%,  Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng 5,1%.

Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may trong năm 2016 tại các thị trường lớn cũng bị sụt giảm.Các quốc gia nhập khẩu dệt may chính là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa dệt may rất thấp, hoặc suy giảm.

Số liệu thống kê cho thấy,  nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ năm 2016 đã giảm 4,84%,  ước đạt 113,8 tỷUSD; nhập khẩu dệt may của Nhật Bản ước đạt 34,7 tỷ USD, giảm 1,7%, nhập khẩu dệt may của Hàn Quốc ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 4,03%. Chỉ  riêng thị trường châu Âu có tín hiệu khả quan hơn với mức tăng trưởng nhập khẩu dệt may là 5,12%, ước đạt 260 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dù chỉ tăng trưởng 1 con số trong năm 2016, nhưng xét trong tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như các biến động kinh tế, chính trị lớn tại các thị trường chính, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận, theo đánh giá của Vitas.

Còn so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với mức tăng trưởng 5,7% là cao nhất trong nhóm.

Cụ thể, trong năm 2016, đối với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 262 tỷ USD, giảm 4,2% so với 2015, trong đó xuất đi Mỹ giảm 7,9%, EU giảm 3%, Nhật giảm 1,1%, Hàn Quốc giảm 7,9%. Đối với Ấn Độ, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 35 tỷ USD, giảm 4,7%, trong đó xuất đi Mỹ giảm 0,8%, đi EU giảm 0,4%, Hàn quốc giảm 0,3%, riêng thị trường Nhật tăng nhẹ 1,6%.

Đối với Bangladesh, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 34 tỷ USD, tăng 4,9%, trong đó xuất đi Mỹ giảm 3%, đi EU tăng 8,4%, đi Nhật Bản tăng 18,5%, đi Hàn Quốc giảm 2,2%. Đối với Indonesia, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 11,6 tỷ USD, giảm 5,3%, xuất đi Mỹ giảm 5,6%, EU giảm 4,4%, Nhật giảm 0,5%, Hàn quốc tăng 9%.

Tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2016 đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2015, dệt may sang Hoa Kỳ đạt gần 11,3 tỷ USD.

Năm 2014, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ ước 9,8 tỷ USD. Năm 2013, xuất khẩu đạt 8,61 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Hoa Kỳ được dự báo tiếp tục xu hướng tăng chậm trong năm 2017. Vitas dự báo khó tăng trưởng 2 con số.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất