Thu hút FDT của Hà Nội có nhiều đột phá

(10/10/2016 - 02:02:22)

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế FDI của TP Hà Nội đến hết năm 2015 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 3.515 dự án FDI còn hiệu lực (chiếm 34,8% tổng số dự án FDI còn hiệu lực trong cả nước); Tổng vốn đăng ký đạt 26,761 tỷ USD (chiếm hơn 26%); Tổng vốn thực hiện khoảng 12,589 tỷ USD (chiếm khoảng 43%).

.

Bước sang năm 2016, lần đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã trở lại vị trí đứng đầu cả nước trong thu hút FDI quý I và đứng thứ hai cả nước trong ba quý đầu năm 2016, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm 2016, trong số 54 tỉnh, thành phố có dự án FDI mới, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 37 dự án cấp mới và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,97 tỷ USD, chiếm 12%.

Tính đến ngày 20-9-2016, cả nước có 1.820 dự án mới, với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so cùng kỳ năm 2015; có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so cùng kỳ năm 2015. Trong số 19 ngành lĩnh vực, thì công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 649 triệu USD, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư. Uớc tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2015.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp, khu công nghệ cao (gọi tắt là KCN, KCNC) được thành lập và nằm trong danh mục quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 6.693 ha. Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 KCN, KCNC với tổng diện tích gần 4121,2 ha. Trong đó có tám KCN được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch gần 1231 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 952,5 ha, đã lấp đầy 87% (Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Sài Đồng B, Nội Bài, Thạch Thất - Quốc Oai, Quang Minh, Hà Nội - Đài Tư, Phú Nghĩa).

Ngoài ra, có bảy KCN đã có quyết định thành lập đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng với tổng diện tích 1140,7 ha (KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công viên CNTT Hà Nội, KCN sạch Sóc Sơn và KCN Quang Minh II, KCNC sinh học Hà Nội, KCN Bắc Thường Tín, KCN Phụng Hiệp).

Đặc biệt, Hà Nội đã quy hoạch năm KCN theo hướng tập trung cho sản xuất chuyên ngành sâu nhằm thu hút công nghệ cao vào hoạt động, xây dựng nên các khu kinh tế - khoa học kỹ thuật chất lượng cao và hiện đại chuyên nghiên cứu, giáo dục, phát triển, ứng dụng, sản xuất thực nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.

Riêng năm 2015, Hà Nội chiếm 16,9% về số dự án và 10,07% về vốn đầu tư đăng ký cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng lên 3 bậc so với năm 2014; Khu vực FDI trên địa bàn nộp ngân sách thông qua các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên và giá trị gia tăng đạt 880 triệu USD, chiếm 13,7% tổng thu ngân sách TP và tăng 8,3% so với năm 2014; chiếm 21% tổng gia trị nhập khẩu và tăng 83,5% so với năm 2014

 

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất