Quốc hội thảo luận tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới

(02/11/2016 - 04:47:25)

Theo tin trên báo Nhân dân Điện tử, hôm nay 2-11, theo chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Cho đến sáng nay, đã có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến, trong khi đó, các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đề cập.

Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ngày 20-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Báo cáo nêu rõ: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên.

Báo cáo của Chính phủ cũng xác định rõ chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể là: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Trong buổi sáng nay, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết chung quanh vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất