Thủ tướng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận

(20/04/2017 - 02:44:40)

Ngày 19-4, tại TP Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Tham dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế cùng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông tin chi tiết trên báo Nhân dân điện tử hôm nay:




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2017. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Hội nghị nhằm mục tiêu quảng bá các tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận để các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư vào các lĩnh vực công - nông nghiệp - thương mại dịch vụ; trong đó tập trung vào ba lĩnh vực: phát triển du lịch xanh bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư; ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 nhà đầu tư với tổng vốn cam kết gần 97 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng trao kinh phí tài trợ gần 40 tỷ đồng cho tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh mà các địa phương khác khó có thể có được, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để phát triển. Thủ tướng khẳng định chủ trương của Trung ương là xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam gồm năng lượng gió, mặt trời và cả điện khí; là trung tâm du lịch quốc tế và khu vực; trung tâm chế biến sâu về ti-tan. Thủ tướng nhất trí quan điểm của chính quyền tỉnh là xây dựng, phát triển Bình Thuận theo hướng xanh, sạch, bền vững với cộng đồng, vì sức khỏe con người, vì lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, của Nhà nước và người dân. Vì vậy, Bình Thuận cũng như các nhà đầu tư cần có tư duy đổi mới, cách làm mới để tiếp tục phát huy vốn đầu tư trong nước cũng như quốc tế; có tầm nhìn dài hạn, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch ngành, vùng, các loại sản phẩm thế mạnh không mâu thuẫn, triệt tiêu nhau. Quy hoạch và phát triển cần được phối hợp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các tỉnh chung quanh; xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, có cơ chế phù hợp, chủ yếu theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng, kể cả logistics. Tập trung vào các mũi nhọn, xây dựng các trung tâm năng lượng gió và mặt trời; xây dựng các khu du lịch liên hợp gắn liền vui chơi giải trí biển; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là nông nghiệp chất lượng cao để phục vụ đời sống người dân, cho du khách và xuất khẩu, gắn liền với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển, đi liền với đó là khởi nghiệp các doanh nghiệp tại địa phương. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở Bình Thuận; nói đi liền với làm; quan tâm bảo vệ môi trường xanh, sạch để phát triển lâu dài,...

Tin liên quan