Kỷ niệm 70 năm sự kiện Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh

(19/10/2016 - 02:55:44)

Nhân dịp 70 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh (18-10-1946 - 18-10-2016), tỉnh Khánh Hòa và thành phố Cam Ranh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Người trong Công viên 18-10. UBND thành phố Cam Ranh tổ chức triển lãm “Tư liệu - Nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành phố Cam Ranh”.

 

Triển lãm gồm 120 bức tranh, ảnh tư liệu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người; những thành tựu nổi bật của thành phố Cam Ranh sau hơn 40 năm thống nhất đất nước; kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, của thành phố Cam Ranh.

Theo tài liệu lịch sử, ngày 18-10-1946, tàu Đuy-mông Đuyếc-vin của hải quân Pháp đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vịnh Cam Ranh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của Pháp đòi quân đội Việt Nam tại miền nam phải rút về miền bắc.

Ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh

Từ việc ngăn chặn những hành động quá khích của quân Tưởng ở miền Bắc, hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 rồi Tạm ước 14/9/1946, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’argenlieu tại vịnh Cam Ranh có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, ở một thời điểm hết sức nhạy cảm của chính trường miền Nam Việt Nam. Đó là đã góp phần bảo vệ chủ quyền nền độc lập còn non trẻ của ta, trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng cho cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Hơn nữa, thành công về phương diện ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm thời đã nâng tầm vị thế của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Cuộc gặp Cao ủy D’argenlieu và các hoạt động ngoại giao trước đó đã chứng minh chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cố gắng đến cùng tìm ra một giải pháp hòa bình, nhân nhượng, thậm chí lùi một bước tạm thời ở một thời điểm cần thiết nhằm tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc, để bộ đội ta tập trung lực lượng vào những trận đánh có tính chất quyết định. Giải pháp này được đưa ra nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc nắm vững đường lối chiến lược, quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao nhất của dân tộc là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với những kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do mới giành được.

Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), cho đến khi Người vĩnh biệt đồng bào ra đi mãi mãi, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Người trở lại miền Nam, mà Khánh Hòa là địa phương in dấu hình ảnh của Người.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất