Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió với Việt Nam

(08/12/2017 - 03:09:47)

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Vestas tổ chức hội thảo “Năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận từ gió”. Hội thảo nhằm giới thiệu và gợi ý các giải pháp cụ thể để tìm hướng kinh doanh trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện gió tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng về điện gió của Việt Nam là rất lớn, tập trung ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức, khi mà hiện chỉ có 4 dự án chính thức vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt mới chỉ đạt được hơn 159 MW. Cho đến thời điểm hiện tại việc khai thác những tiềm năng này cho phát điện còn rất hạn chế so với tiềm năng và so với mục tiêu trong quy hoạch, chiến lược mà Chính phủ đã đặt ra.

Đan Mạch là nước hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện là hơn 40% - tỷ lệ lớn nhất thế giới. Về kinh nghiệm vận hành lưới điện, có điện gió và điện mặt trời, Đan Mạch cũng đã thành công trong việc tích hợp một khối lượng lớn hai loại điện năng này. Việt Nam có thể học từ Đan Mạch rất nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển ưu đãi, xây dựng lưới điện như thế nào để tích hợp khối lượng lớn điện mặt trời. Trong chương trình hợp tác 3 năm sắp tới giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch sẽ có những hợp phần cụ thể để đảm bảo cho việc phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời của Việt Nam trong tương lai sẽ được thuận lợi hơn. Chương trình này sẽ được bắt đầu trong năm tới.


Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, công nghệ năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn phát triển vượt bậc, với chi phí phát triển dự án năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống. Theo dự báo, với tiềm năng lớn, công nghệ năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chiếm lĩnh trong thế kỷ 21.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, trong bối cảnh nguồn thủy điện đã khai thác gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên đã và đang phải nhập khẩu nguyên điện và năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện, bảo vệ môi trường.

Ông Quân cho biết thêm, trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, đề xuất ban hành các cơ chế để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới, nghiên cứu công nghệ lưới điện thông minh, kỹ thuật lưu trữ năng lượng và khả năng dự báo nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp nhận nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo...

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất