Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành công hơn so với TPP và EVFTA

(28/12/2016 - 04:40:36)

Ngày 28/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam tổ chức hội thảo Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch VCCI – ông Hoàng Quang Phòng – cho biết AEC là nỗ lực của ASEAN trong vấn đề hội nhập của chính phủ và doanh nghiệp các nước – những người đang thể hiện quyết tâm hội nhập lớn nhất từ trước tới nay.

 Quá trình phát triển và toàn cầu hóa của Việt Nam đang được thể hiện qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, hai thỏa thuận trên vẫn chưa chính thức có hiệu lực và còn nhiều bất ổn xung quanh trong khi AEC chính thức được ký kết ngày 22/11/2015.

Đại diện của Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam – ông Andrew Holt – cho biết AEC là cộng đồng đầu tiên được thành lập tại châu Á với tổng giá trị GDP của 10 nước đạt gần 3.000 tỷ USD. ASEAN kỳ vọng AEC mở ra môi trường cạnh tranh cao và cơ hội hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong năm 2016, luật doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực, qua đó hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Holt nhận định AEC là công cụ quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và bắt kịp xu thế phát triển kinh tế thế giới.

Chia sẻ những khái niệm và thành tựu của AEC trong 1 năm qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI – nhận định rằng cộng đồng của ASEAN không giống với Liên minh Châu Âu (EU) hay các hiệp định thương mại tự do khác.

Thời điểm các nhà lãnh đạo tuyên bố thành lập ASEAN được coi là bước ngoặt của khu vực, thời điểm những quyết tâm đủ lớn để kết nối 10 thành viên. Bản chất và mục tiêu lớn nhất của AEC là tạo lập một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai nhưng năm 2016 chúng ta vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu này.

AEC đặt ra 9 mũi nhọn ưu tiên thay vì 2 như xuất phát điểm của EU. Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất chiếm 53% dân số giúp ASEAN có điều kiện thuận lợi để đạt được những mục tiêu tham vọng.

Thương mại hàng hóa đang là điểm sáng lớn nhất cho tới thời điểm này. Thông qua ATIGA, Việt Nam và các nước ASEAN đã loại bỏ 97% các dòng thuế và dự kiến đạt 99% vào năm 2018. Mức giảm thuế này tương đương với TPP và EVFTA.

Tuy nhiên, mức độ hợp tác hải quan còn hạn chế và chậm tiến độ. Các tiêu chuẩn kỹ thuật chung cũng đang hạn chế các doanh nghiệp trong nước bởi Việt Nam đang không nắm thế chủ động trong tay. Vấn đề thương mại dịch vụ và đầu tư cũng chưa được như kỳ vọng bởi khoảng cách từ lý thuyết tới áp dụng còn xa.

Do AEC bắt đầu được hình thành từ năm 1992 và quá trình đàm phán chuyên sâu diễn ra trong giai đoạn 2002-2008 nên những hiệp ước, thỏa thuận không có nhiều khác biệt so với WTO, khác biệt lớn nhất nằm ở chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, không gây nhiều áp lực thay đổi cho Việt Nam như TPP.

Với các lĩnh vực khác, các thỏa thuận khu vực gần như là chưa có, thay vào đó là các hiệp định, dự án song phương.

Với AEC các doanh nghiệp có một thị trường không rào cản thuế quan và quy trình lưu chuyển hàng hóa thuận lợi. Bên cạnh đó, một thị trường đầu ra vô cùng lớn và nguồn đầu vào đa dạng cũng mang tới những lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp.

Nhưng với AEC, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Từ khi gia nhập ASEAN tới nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực dù tăng nhưng vẫn thấp hơn kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, các quy chuẩn kỹ thuật của ASEAN thực hiện không qua tham vấn và có hiệu lực ngay lập tức nên làm khó nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất.

Tỷ lệ các doanh nghiệp biết về cộng đồng này đạt gần 100% nhưng các doanh nghiệp hiểu rõ về cơ hội và thách thức AEC mang lại này chỉ hơn 16%.

Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin trên 3 nguồn: trang web chính thức của ASEAN, trang web của Bộ Ngoại giao và trang web của chính phủ Singapore.

Với lượng tài liệu thông tin hạn chế, VCCI tạo lập trang web www.aecvcci.vn nhằm mang tới những thông tin thiết thực và đầy đủ nhất cho các nhà đầu tư Việt Nam cũng như mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất