Thủ tướng tham dự giao lưu Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

(05/04/2018 - 02:24:41)

Tối 3/4, chương trình giao lưu "Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" diễn ra tại Hà Nội với chủ đề Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh - Vì bình yên cuộc sống.

Tại buổi giao lưu, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã chính thức ra mắt trên cơ sở Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.


Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay, hậu quả của bom mìn và chất độc hóa học vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn môi trường sống trên cả nước. Nhiều người dân đã mất đi cuộc sống của mình hoặc phải gánh chịu nỗi đau mất đi một phần thân thể, các cháu bé mang trên mình những thương tật do chất độc hóa học để lại. Bom mìn và chất độc hóa học còn làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội và là thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, làm tốt công tác phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng, đồng thời xác định khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường hợp tác, phối hợp với các quốc gia, các tổ chức để huy động nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, góp phần cải thiện điều kiện sống, hỗ trợ cho các nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Cũng tại chương trình, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia đã công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn giai đoạn 1 ở Việt Nam, cho thấy hiện trạng, thách thức và sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn. 

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất