Những “bạn hàng” lớn của Việt Nam trong APEC

(20/11/2017 - 02:29:42)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong 10 tháng năm 2017 đạt 265,31 tỷ USD.

Con số này tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, và đã gần bằng kim ngạch của cả năm 2016. 

Trong đó, xuất khẩu đạt 120,48 tỷ USD, tăng 23,9% và nhập khẩu là 144,83 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các thành viên APEC trong 10 tháng 2017 thâm hụt 24,36 tỷ USD, bằng 20,2% kim ngạch xuất khẩu sang khối này. 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong các thành viên APEC, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 73,3 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 27,6% trong tổng trị giá thương mại song phương giữa Việt Nam và các thành viên APEC.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong APEC, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 50,46 tỷ USD, tăng 41,9%, chiếm tỷ trọng 19%.

Mỹ giữ vị trí thứ ba, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 42,12 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 15,9%.

Nhật Bản với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 27,11 tỷ USD, tăng 11,8%, chiếm tỷ trọng 10,2%, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong các thành viên APEC.

Về xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các thành viên APEC, với kim ngạch 34,53 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 28,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang APEC. 

Đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch 26,47 tỷ USD, tăng mạnh 52,9%, chiếm tỷ trọng 22%; Nhật Bản đứng thứ ba với 13,85 tỷ USD, tăng 16%, chiếm tỷ trọng 11,5%...

Hàng hóa xuất khẩu sang các thành viên APEC 10 tháng 2017 chủ yếu gồm: điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch 19,01 tỷ USD, tăng 48%; sản phẩm dệt may với kim ngạch 17,51 tỷ USD, tăng 9,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 15,41 tỷ USD, tăng 41,1%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 8,07 tỷ USD, tăng 25%; giầy dép các loại với kim ngạch 7,39 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ với kim ngạch 5,35 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại là nhập khẩu, Trung Quốc đang là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong các nền kinh tế APEC, với kim ngạch đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,1%, chiếm tỷ trọng 32,3%. 

Đứng thứ hai là  Hàn Quốc với 38,3 tỷ USD, tăng mạnh 46,7%, chiếm tỷ trọng 26,4%, Nhật Bản đứng thứ ba với kim ngạch 13,27 tỷ USD, tăng 7,6%, chiếm tỷ trọng 9,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thành viên APEC; …

Nhập khẩu hàng hóa từ các thành viên APEC 10 tháng năm 2017 chủ yếu gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 29,16 tỷ USD, tăng 35,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với kim ngạch 24,09 tỷ USD, tăng 24,4%; điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch 12,73 tỷ USD, tăng 49,2%; vải các loại dạt 8,97 tỷ USD, tăng 8,6%; sắt thép các loại với kim ngạch 6,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước;…

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất