Lễ đón bằng UNESCO ghi danh "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

(03/04/2017 - 01:53:53)

Tối 2-4, tại Quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ đón bằng của UNESCO chứng nhận "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông tin chi tiết trên báo Nhân dân điện tử.

Đến dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo UNESCO, một số tổ chức quốc tế và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử - văn hóa cùng đông đảo nhân dân và du khách.



         Đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận cho Bộ trưởng bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện                                                                                        Ảnh: Nam Trần

Mở đầu buổi lễ, bà Susan Vize, quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trao bằng chứng nhận cho các đại diện của ngành văn hóa và địa phương đón nhận thay mặt cho 21 tỉnh, thành phố có di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt". Tiếp đó, Bộ trưởng VHTT và DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2017-2022.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTT và DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các nghệ nhân đã phối hợp chính quyền tỉnh Nam Định và nhiều địa phương khác bảo tồn, phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong đời sống cộng đồng và xây dựng hồ sơ di sản; cảm ơn UNESCO đã đồng thuận ủng hộ, vinh danh di sản này của Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh: "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội; bên cạnh đó còn tích hợp hài hòa nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như trang phục, dân ca, dân vũ... mang sắc thái đặc trưng của đồng bào các dân tộc, tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của Việt Nam. Đây là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt ra trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, cũng như sự chung tay của cả xã hội trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia và các cam kết quốc tế.

Sau phần nghi lễ, là chương trình nghệ thuật mang tên "Tỏa sáng miền hát văn" với nhiều tiết mục đặc sắc, mang đậm màu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ do các nghệ sĩ và nghệ nhân địa phương thể hiện.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất