Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV thông qua bảy nghị quyết quan trọng

(24/11/2016 - 09:47:44)

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sáng 23-11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.

Trong cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016 và phân tích, dự báo các khả năng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức có thể xảy ra, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, gồm:

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về Nghị quyết về kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015); bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5%GDP (trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21%GDP); tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước; tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9%GDP (trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7%GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2%GDP); phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5%GDP.

Nợ công hằng năm không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng); trong đó, bố trí 72.817 tỷ đồng để thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất