Dấu ấn 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

(28/03/2019 - 02:28:09)

Để kịp thời, phát hiện ngăn chặn tình trạng này, ngày 19-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia).

Trước tình hình hội nhập quốc tế và kinh tế thị theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thuận lợi và cơ bản, chúng ta đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả quy mô và tính chất, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại đối với doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, nguy hại hơn, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực tham nhũng trong bộ máy quản lý...

Để kịp thời, phát hiện ngăn chặn tình trạng này, ngày 19-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg  thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) với hệ thống bộ máy từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố và phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban, Ủy viên là lãnh đạo của các Bộ ban ngành trung ương để thực hiện chức năng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao như: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác theo chỉ đạo của Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng các cấp trong điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức, liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn…

Sau 5 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận đó là:

- Đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng được mô hình tổ chức với bộ máy tương đối hoàn chỉnh từ các bộ ngành trung ương và 63 địa phương, đáng chú ý nhiều tỉnh, thành phố có ban chỉ đạo 389 đến cấp quận huyện để triển khai nhiệm vụ. Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp thiết, toàn diện để thống nhất chỉ đạo toàn quốc, như: Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu,gian lận thương mại và hàng giảtrong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 24-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Chỉ thị 17/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-6-2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…

- Hàng năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch năm, trong đó triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán. Định kỳ 6 tháng, một năm Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đều tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết trực tuyến toàn quốc; hàng quý tổ chức giao ban thường trực Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả hoạt động, phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Để xử lý những vụ việc phức tạp, nổi cộm, trực tiếp đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức các cuộc họp đột xuất để chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch của người dân và dư luận xã hội.

- Văn phòng Thường trực BCĐ 389 cũng như Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với hình thức khác nhau như: phối hợp Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp thông qua công tác kiểm tra; tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng giữa các tổ chức, cá nhân; biên soạn, phát tờ gấp, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, dán tờ rơi, áp phích

- Để chủ động nắm tình hình và chủ động tham mưu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai thiết lập đường dây nóng, đồng thời tổ chức tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng.Trung bình mỗi tháng đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp nhận từ 150 đến 200 cuộc điện thoại, khoảng 15 đến 20 thư nhận qua địa chỉ thư điện tử và 10 đến 15 đơn thư phản ánh trực tiếp gửi đến Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia.

Nhận thức được công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hiện nay, bộ máy Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo một số bộ, ngành chức năng xuống đến 63 tỉnh thành đều đã được kiện toàn với sự tham gia của các lực lượng chức năng chính như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra chuyên ngành. Các Ban chỉ đạo 389 đa phần đều có bộ phận thường trực giúp việc là lực lượng chức năng để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn phụ trách.

Theo thống kê của các Bộ, ngành và địa phương từ năm 2014 đến năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91 nghìn tỷ đồng; số vụ khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng.

Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát huy được vai trò nòng cốt trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Chính phủ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động với các bộ, ngành.

Những kết quả trên là rất quan trọng, đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dự báo thời gian tới, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và phức tạp cả quy mô, tính chất và địa bàn, trên cơ sở những tồn tại, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương và Văn phòng Thường trực tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất