Công bố báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý I/2018

(11/04/2018 - 04:38:12)

Chiều 10/4/2018 đã diễn ra Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô của quý đầu tiên trong năm 2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội. Theo đó, Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt cho tới cuối năm.

Sau mức tăng trưởng đầy ấn tượng 7,38% của GDP trong quý I, các quý tiếp theo của năm 2018 có thể không đạt mức cao như vậy nữa, tuy nhiên các con số sẽ vẫn ở mức cao dần cho tới cuối năm. Theo đó, báo cáo dự kiến mức tăng của quý II là 6,51%, quý III là 6,84% và quý IV là 6,75%. Tính chung cả năm 2018, GDP sẽ tăng 6,83%. “Mức tăng này hoàn toàn đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”, ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR, chủ biên báo cáo nhận xét.

Tuy nhiên báo cáo này cũng đặt vấn đề cần có những phân tích kỹ hơn về “hiện tượng” cao nhất trong 10 năm qua của chỉ số GDP.

Báo cáo của VEPR lưu ý một hiện tượng là trong quý I/2018, số doanh nghiệp mới và việc làm tạo mới không cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế. Quy mô việc làm tạo mới trong quý I/2018 không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý I, có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm 291,6 nghìn việc làm. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%, trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%. Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa.

Liên quan đến xuất khẩu, báo cáo của VEPR cho biết, EU hiện nổi lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9,8 tỷ USD (tăng 19,7%), theo sau là Mỹ và Trung Quốc, lần lượt đạt 9,6 và 9 tỷ USD. Trong khi đó, về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 14,3 tỷ USD (tăng 13,7%), theo sau là Hàn Quốc với 11,9 tỷ USD (tăng 19%) và ASEAN với 7,3 tỷ USD (tăng 12,3%). Như vậy, Hàn Quốc tiếp tục thay Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức nhập siêu 7,6 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc thuộc nhóm tư liệu sản xuất: điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 52,8%), điện thoại và linh kiện (tăng 13,6%)

Về một số nét cần lưu ý trong các quý còn lại của năm 2018, VEPR cho rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu bắt nguồn từ sắc lệnh tăng thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tương lai bất định, gây khó khăn cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo - tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Lạm phát quý I tăng nhẹ so với quý trước,chủ yếu đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục và một phần có thể bắt nguồn từ sự nới lỏng tiền tệ. Lạm phát lõi có xu hướng tăng nhẹ từ mức tương đối thấp, phần nào thể hiện khuynh hướng nói lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Việc ký kết Hiệp định CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, tuy nhiên, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô. Đồng thời, để thu hút đầu tư tư nhân và FDI, Chính phủ đã liên tiếp hạ thuế suất thuế TNDN trong những năm gần đây nên tỷ trọng nguồn thu từ loại thuế này cũng giảm dần. Để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác.

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo tăng thuế suất VAT. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách. Để đảm bảo cân đối thu chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì “áp” thêm ngay các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên.

Báo cáo của VEPR cũng phân tích về ý tưởng đưa “kinh tế ngầm” vào tính toán GDP. VEPR nhìn nhận, việc ước lượng nền kinh tế phi chính thức là cần thiết để Chính phủ đề ra chiến lược phát triển phù hợp. Tuy nhiên, việc đưa nền kinh tế ngầm vào GDP là chưa thích hợp vì tổng GDP có thể tăng về danh nghĩa, nhưng có thể gây bất nhất trong so sánh quốc tế theo thông lệ. Thêm vào đó, điều quan trọng là các chỉ tiêu quốc gia như chi ngân sách hay nợ công có thể tăng tương ứng, nhưng lại không phục vụ được cho khu vực phi chính thức, vốn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu và thích hợp. Đồng thời, khả năng huy động nguồn thu cũng không tăng lên tương ứng vì cùng một lý do.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất