Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật

(23/08/2017 - 03:21:48)

Ngày 22-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. Thủ tướng cho rằng: “phải gỡ ra dần để thể chế pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống..."

Theo báo Nhân dân điện tử, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe thảo luận: Tờ trình Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường; Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước; Tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Báo cáo về việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, điểm nghẽn của sự phát triển đất nước là thể chế gồm luật pháp, chính sách. Chúng ta đã cố gắng thông qua nhiều luật trình Quốc hội, đáp ứng yêu cầu. Nhưng chúng ta còn nhiều tồn tại, bất cập trong xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, Chính phủ tập trung vào việc xây dựng thể chế pháp luật, xây dựng sửa đổi, bổ sung thể chế. Phiên họp này, Chính phủ tập trung giải quyết chín nội dung trình Quốc hội kỳ họp tới. Đây là việc quan trọng, do đó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến, lường trước những khó khăn trong quá trình xây dựng luật trên tinh thần “phải gỡ ra dần để thể chế pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống, với tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cho ý kiến về Tờ trình về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ (VPCP), các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án luật, nhất là quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, không để xảy ra các xung đột pháp luật khi luật được ban hành.

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) cần hết sức thận trọng, phải tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong quá trình xây dựng, đặc biệt là tiếp thu, lấy ý kiến đối với các nội dung liên quan quy định về đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, biểu khung thuế,… Sau khi dự án luật được hoàn thiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính báo cáo xin ý kiến Chính phủ; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Thủ tướng cho biết, đây là Dự án Luật đã được Chính phủ thảo luận nhiều lần và là một luật khung. Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp VPCP, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự án luật, bảo đảm các quy định của luật được xây dựng sẽ tạo lập được môi trường thông thoáng, các quy định có tính vượt trội, có sự khác biệt.

Về Tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là cần thiết; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật (Bộ Tài chính), chủ trì phối hợp Bộ Tư pháp, VPCP, các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, gửi Bộ Tư pháp để làm đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về Báo cáo kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra của Chính phủ là phải tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân. Do đó, việc sửa đổi các luật liên quan các lĩnh vực rất cấp bách; đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành phải nhận thức rõ vấn đề này để tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có môi trường tốt để phát triển. Phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các bộ, ngành và trong thực hiện phải có chương trình, kế hoạch, có tên việc, đầu việc, lộ trình cụ thể, không chỉ đạo và nói chung chung.

Cho ý kiến về Báo cáo về kết quả rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đầu tư công, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ chịu trách nhiệm trước hoàn thiện, tập hợp báo cáo Thường trực Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là việc khó, phức tạp nên các bộ, ngành phải tập trung giải quyết. Thủ tướng yêu cầu các bộ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật thuộc phạm vi của bộ mình để chủ động sửa đổi hoặc bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Chủ động phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp để có sự đồng thuận. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng VPCP và một số bộ, ngành tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất