Tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia

(20/05/2016 - 03:49:28)

Theo thông tin trên báo Nhân dân điện tử, ngày 19-5, tại Thủ đô Phnom Penh, đã diễn ra Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Campuchia” dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư. Tham dự, có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia. Về phía Campuchia, có đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC); Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp và một số doanh nhân.

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đại sứ Thạch Dư nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống, gần gũi về mặt địa lý, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ hai nước là một trong những cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia có bước phát triển mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, tiềm năng và dư địa đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn.

Do vậy, Tọa đàm lần này nhằm đánh giá hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cho đến nay, đồng thời tập hợp các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Campuchia. Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp cũng được cập nhật thông tin về những điều chỉnh chính sách của Chính phủ Campuchia hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư và kinh doanh tại nước này;

Cập nhật về chính sách đầu tư mới của Chính phủ Campuchia, Tiến sĩ Youn Heng, Cục trưởng Cục thẩm định dự án đầu tư thuộc CDC (tổ chức chịu trách nhiệm về cấp giấy phép và giám sát hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia) nhấn mạnh tới quy định cấp giấy chứng nhận về tuân thủ (COC - certificate of compliance) hằng năm.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Campuchia định kỳ phải nộp báo cáo tới CDC về tiến độ triển khai dự án, kết quả kinh doanh…, nếu không sẽ không được cấp COC. Không có COC, doanh nghiệp sẽ không được hưởng các ưu đãi đầu tư.

Đánh giá về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, Tiến sĩ Youn Heng cũng như diễn giả Đoàn Thanh Nghị, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam đều cho rằng, không chỉ giúp Campuchia phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn là những nhà đầu tư có trách nhiệm, làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện đời sống người dân địa phương.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 5-2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án và 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia. Hiện nay, Việt Nam là nước đứng vị trí thứ năm về giá trị đầu tư (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và Malaysia) trong hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia.

Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản…

Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Thái-lan, Trung Quốc). Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Campuchia năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD (cao hơn so với 3,31 tỷ USD năm 2014), trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 2,4 tỷ USD, giảm hơn 10% so năm 2014. Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia hơn 953 triệu USD hàng hóa, tăng 53% so năm 2014.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Campuchia gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, hàng dệt may. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia các mặt hàng cao su, hạt điều, gỗ, ngô, nguyên liệu thuốc lá… Ngoài buôn bán chính ngạch, buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước khá phát triển.

Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

Về du lịch, Việt Nam luôn dẫn đầu về lượng du khách thăm Campuchia. Năm 2015, Campuchia đón khoảng 4,7 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó du khách Việt Nam đông nhất với gần 865.000 lượt.

Tại buổi tọa đàm, Tham tán Vũ Lê Hà, Trưởng phòng lãnh sự Việt Nam tại Campuchia và một số doanh nghiệp Việt Nam đã nêu lên những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Campuchia như lệ phí xin cấp thị thực dài hạn và giấy phép lao động cao, có loại thuế còn bất hợp lý, có dự án đầu tư của Việt Nam bị phía Campuchia thu hồi đất mà không nêu rõ lý do cụ thể…

Có ý kiến kiến nghị cơ quan chức năng của Campuchia nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để Việt Nam và Campuchia có thể thực thi Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký kết tháng 6-2012 và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, qua đó thúc đẩy đầu tư cũng như phát triển thương mại giữa hai nước.

Tiến sĩ Youn Heng thay mặt CDC ghi nhận và hứa sẽ chuyển những ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của các doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng của Campuchia để sớm có phản hồi và tìm cách tháo gỡ.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất