Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam chính thức đi vào hoạt động

(26/04/2016 - 01:37:52)

Ngày 24/4, tại Lâm Đồng, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (VMA) chính thức ra mắt và tổ chức đại hội lần thứ nhất. Hiệp hội xác định phát triển trồng mắc-ca trên cơ sở tôn trọng quy hoạch bài bản và tín hiệu thị trường...

Theo đó, VMA là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ cung ứng xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo vì sự phát triển của ngành mắc-ca Việt Nam.

Tại đại hội, ông Dương Công Minh, Trưởng ban vận động thành lập VMA cho biết, trong hơn một năm qua, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), nhiều doanh nghiệp và cá nhân khác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển mắc-ca, cùng các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này, đại diện các hộ nông dân, doanh nghiệp trồng mắc-ca đã cùng nhau chuẩn bị về nhân sự, thủ tục, thể chế và cơ sở vật chất để hình thành Ban vận động thành lập VMA.

Đến nay, VMA chính thức được thành lập và xác định những bước đi tiếp theo để phát triển ngành công nghiệp mắc-ca Việt Nam, gắn với những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu xuyên suốt của Hiệp hội là góp phần cùng đất nước xây dựng ngành công nghiệp mắc-ca hiện đại; khai thác chuỗi giá trị lớn, khép kín; thu hút nguồn vốn, nhân lực, tạo ra những sản phẩm tinh chế, phong phú từ mắc-ca có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao.

Để đạt được những mục tiêu đó, Hiệp hội đề ra các chương trình hành động cụ thể như: làm vai trò cầu nối, gắn kết chuỗi liên kết từ trồng - chế biến - thương mại - tiêu dùng, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và làm thiệt hại cho người trồng mắc-ca; đề xuất, vận động và phản biện các chính sách liên quan; tổ chức và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các thành viên Hiệp hội; tuyên truyền về giá trị kinh tế - môi trường - xã hội của cây mắc-ca...

Theo định hướng đưa ra tại đại hội, trước mắt trong 5 năm tới, hoạt động của VMA là bám chặt chủ trương của Nhà nước và thực tiễn các địa phương hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc về phát triển trồng mắc-ca trên cơ sở tôn trọng quy hoạch bài bản và tín hiệu thị trường với chiến lược lâu dài.

Trong giai đoạn 5 năm đầu (2016 - 2020), quan điểm của Hiệp hội là tập trung chủ yếu trồng xen mắc-ca với cà phê để cứu cà phê, đồng thời phát triển mắc-ca vì mắc-ca chịu hạn tốt, tạo bóng mát, giữ độ ẩm và bộ rễ mắc-ca làm tơi xốp đất, trong khi cây cà phê đang gặp nhiều khó khăn vì hạn hán tại khu vực Tây Nguyên.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất