Nhiều điểm mới về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học

(28/10/2016 - 04:10:07)

Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (gọi tắt là dự thảo) thay cho Thông tư 08/2011/TT- BGDĐT ban hành trước đây.

So với Thông tư 08, dự thảo thông tư mới đã quy định chi tiết hơn với nhiều điểm mới cho từng nhóm ngành đào tạo cụ thể . Đơn cử, theo dự thảo thông tư mới có quy định về đội ngũ giảng viên cơ hữu có chặt hơn trước khi yêu cầu đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để tổ chức đào tạo trình độ đại học (ĐH) ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành của các ngành đang đào tạo khác.

Cụ thể, có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu đúng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ thạc sĩ (Th.S) trở lên (trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) và 4 Th.S, hoặc 2 TS và 2 Th.S đúng ngành đăng ký đào tạo). Đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% tổng khối lượng kiến thức; các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành của chương trình đào tạo phải do giảng viên có bằng cấp phù hợp với nội dung học phần đảm nhiệm; 30% khối lượng giảng dạy còn lại do giảng viên thỉnh giảng đã được ký kết hợp đồng giảng dạy...

Đối với những ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Nông lâm nghiệp và thủy sản... phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu đúng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ Th.S trở lên; trong đó có ít nhất 1 TS và 3 Th.S, hoặc 2 TS và 1 Th.S đúng ngành đăng ký đào tạo. Trong khi đó, Thông tư 08 chỉ quy định chung chung (có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ TS và 3 giảng viên có trình độ Th.S đúng ngành đăng ký).

Còn đối với một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe phải có ít nhất 30 giảng viên cơ hữu có trình độ Th.S trở lên, thuộc các chuyên ngành khác nhau được phân bổ ở các môn học/học phần cơ sở ngành và chuyên ngành. Trong đó, có ít nhất 5 TS thuộc các chuyên ngành khác nhau. Ngành Dược học phải có ít nhất 20 giảng viên cơ hữu có trình độ Th.S trở lên được phân bổ ở các môn học/học phần cơ sở ngành và chuyên ngành, trong đó có ít nhất 3 TS Dược học thuộc 3 chuyên ngành khác nhau trong số các chuyên ngành Hóa dược, Dược lý và Dược lâm sàng, Hóa sinh dược, Kiểm nghiệm thuốc và độc chất, Dược học cổ truyền, Bào chế và Công nghệ dược, Tổ chức và quản lý dược…/.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất