Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 9

(12/07/2016 - 06:58:02)

Tối 11-7, tại Quảng trường Hòa Bình, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp các bộ, ban ngành T.Ư, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 9, năm 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016).

MDEC - Hậu Giang 2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - chủ động hội nhập và phát triển bền vững” có bảy sự kiện chính và các hoạt động kết hợp, diễn ra từ ngày 11 đến 15-7. Diễn đàn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất đời sống của nhân dân; tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành Tây Nam Bộ; huy động các nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, đầu tư một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL, nhất là tỉnh Hậu Giang (địa phương đăng cai tổ chức MDEC năm nay).

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ, có sản lượng lớn nhất Đông -Nam Á và đứng đầu Việt Nam, chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước, đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng như đời sống sinh kế của nhân dân trong vùng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh trên, với tầm nhìn “an toàn, trù phú và bền vững” làm trọng tâm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Đảng và chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang hướng đến các giải pháp tổng hợp, vừa mang tính cấp bách trước mắt cũng như chiến lược lâu dài có tính chất quốc gia, liên ngành, liên vùng để chủ động hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân trong vùng.

Phó Thủ tướng mong rằng, thông qua các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn lần này sẽ thảo luận sôi nổi, thực chất, sát thực, có nhiều kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong vùng để hoàn thiện cơ chế chính sách, hành động ngay không chậm trễ, vì mục tiêu “an toàn, trù phú và bền vững” cho ĐBSCL. Đồng thời, hy vọng các doanh nghiệp, nhà tài trợ và các địa phương tìm ra những cơ hội tốt để hợp tác; các tỉnh có những chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, phù hợp với chính sách chung và điều kiện thực tế của địa phương; làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất