Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Kiến nghị lịch sử là môn học bắt buộc

(05/10/2015 - 09:32:22)

Theo kết cấu các bộ môn học mới của dự thảo chương trình GD PT tổng thể của Bộ GDĐT ban hành lấy ý kiến dư luận, rất nhiều môn học sẽ bị thay đổi nhiều về vị trí theo hướng giảm môn học bắt buộc và tăng dần các môn tự chọn.

Theo đó, ở cấp THCS, số môn học bắt buộc sẽ giảm từ 13 môn xuống còn 7 môn, trong đó có môn tích hợp.

Cụ thể, HS sẽ học bắt buộc các môn sau: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, GD công dân, thể dục, KHXH và KHTN. Môn tự chọn bao gồm: Ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc, các môn thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu KHKT.

Đặc biệt, với cấp THPT, số môn bắt buộc sẽ chỉ còn 4 môn: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, công dân với tổ quốc. Các môn tự chọn bao gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, tin học, lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, công nghệ, toán, KHTN, KHXH, các chuyên đề học tập về mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Điều đáng lưu ý ở đây là nếu như môn lịch sử được tích hợp trong bộ môn KHXH ở cấp tiểu học và THCS theo dạng bắt buộc thì ở cấp THPT, môn học này lại được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn.

Và kiểu phân các môn tự chọn ở cấp học này lại tiếp tục thể hiện ở ba loại tự chọn khác nhau. Thứ nhất, HS tự chọn tuỳ ý, có thể chọn hoặc không chọn hai môn nghiên cứu KHKT và ngoại ngữ 2. Thứ hai, HS tự chọn trong nhóm môn học, nghĩa là buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, vật lý, hoá học, sinh học, tin học, công nghệ, toán 2, KHTN và KHXH. Nếu chọn môn KHTN thì không chọn các môn: Vật lý, hoá học, sinh học; nếu chọn môn KHXH thì không chọn các môn: Lịch sử, địa lý. Các môn KHTN và KHXH chỉ học ở lớp 10 và lớp 11. Thứ ba, HS buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học gồm âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12), Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

Như vậy, theo cách phân chia này, môn lịch sử sẽ là môn học tự chọn hoàn toàn ở cấp THPT, đặc biệt ở lớp 12. Điều này gây lo ngại rằng nhiều HS sẽ bỏ qua nhiều môn học mang tính bản lề như môn lịch sử. GS-TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV - với nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy bộ môn này, cho rằng, cần để HSSV nhận thức đúng vai trò của môn lịch sử đối với đào tạo toàn diện con người, bồi dưỡng nhân cách, ý thức dân tộc. Bên cạnh đó, việc giảng dạy môn này chưa khoa học, chưa tiếp cận và khơi dậy hứng thú, đam mê trong HSSV. Còn theo GS Phạm Tất Dong - PCT Hội Khuyến học VN - HS đã chán môn sử, mà trong chương trình mới lại cho tự chọn thì càng nguy hiểm, vì vậy nhất định phải để môn này bắt buộc. Ông nhấn mạnh: “Nếu HS quay lưng lại với môn sử thì cùng tai hại cho tương lai đất nước”.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất