Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh

(23/09/2016 - 01:25:09)

Theo thông tin trên báo Nhân dân điện tử, ngày 22-9, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Đại sứ quán Việt Nam phối hợp Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia năm 2016 với sự tham dự của hàng trăm đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương hai nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Thạch Dư nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích của hai dân tộc. Được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua không ngừng được củng cố và tăng cường, trong đó quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã đạt được những thành tựu đáng mừng.

Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt gần 3,4 tỷ USD; hiện Việt Nam có 182 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký là 2,85 tỷ USD. Việt Nam là nước dẫn đầu về lượng khách du lịch sang Campuchia với khoảng 988.000 người trong tổng số khoảng 4,7 triệu lượt du khách quốc tế thăm Campuchia trong năm 2015.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Thạch Dư, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.

Do vậy, Diễn đàn này nhằm cung cấp thông tin cập nhật về tiềm năng, chính sách và cơ hội đầu tư của Việt Nam và Campuchia, thảo luận và tìm ra các biện pháp mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước.

Giới thiệu về môi trường và cơ hội đầu tư tại Campuchia, Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC - tổ chức chịu trách nhiệm về cấp giấy phép và giám sát hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Campuchia), ông Chea Vuthy nhấn mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Campuchia trong nhiều năm qua. Riêng năm 2015, kinh tế nước này đạt tăng trưởng 7% (GDP bình quân đầu người đạt 1.215 USD). Dự đoán năm nay, tốc độ tăng trưởng cao này không thay đổi. Trong khi đó, lạm phát ở Campuchia được giữ ở mức thấp trong nhiều năm qua, với năm 2015 là 1,2% và năm nay dự đoán ở mức 2,8%. Campuchia có tỷ giá hối đoái ổn định trong những năm qua.

Ông Chea Vuthy cũng đề cập nhiều tới việc khuyến khích đầu tư vào các đặc khu kinh tế của Campuchia, và chính sách phát triển công nghiệp của Campuchia trong giai đoạn 2015-2025, trong đó ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nông-công nghệp, chế biến nông sản, du lịch, chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô-tô, ngành điện và điện tử, ngành sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao.

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam cung cấp thông tin về: các cơ hội tăng trưởng kinh tế, hội nhập và kinh doanh mới của Việt Nam; bước tiến trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật và những cải cách ở Việt Nam; tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua; mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia trong sự kết nối tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và ASEAN và kết nối hành lang đông-tây trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, những cải cách đúng đắn và mạnh dạn ở trong nước đi liền với hội nhập kinh tế tích cực, sâu rộng, đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam đang ưu tiên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào bốn lĩnh vực: công nghiệp phụ trợ; phát triển hạ tầng; nguồn nhân lực; nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao.

Tham luận về tăng cường thương mại song phương Việt Nam – Campuchia, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại Campuchia) Ho Sivyong cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD (cao hơn so với 3,31 tỷ USD năm 2014), trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 2,4 tỷ USD, giảm hơn 10% so năm 2014. Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia hơn 953 triệu USD hàng hóa, tăng 53% so năm 2014. Tám tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia đạt gần 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD hàng hóa sang Campuchia, và nhập khẩu đạt giá trị 521 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Campuchia gồm phần bón, nhựa, dệt may, sợi, nguyên liệu da giày, sắt thép… Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia các mặt hàng may mặc, gạo, hạt điều, cao-su, ngô, sắn…

Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh những kết quả tích cực và yếu tố thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Tổng Thư ký AVIC Hà Thị Thanh Bình đã nêu lên khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đang phải đối mặt như: lệ phí xin cấp thị thực dài hạn và giấy phép lao động cao, có loại thuế còn bất hợp lý. Việc Campuchia giảm thời gian cho thuê đất từ 99 năm xuống 50 năm, gây tâm lý bất ổn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án trồng cao-su.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thay mặt hơn 100 doanh nghiệp thành viên AVIC, bà Thanh Bình kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong thực hiện các thỏa thuận, cam kết về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; rà soát, hoàn thiện khung pháp lý trong hợp tác kinh tế hai nước, trong đó có việc sớm hoàn thiện công bố, thực thi Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký kết tháng 6-2012 và hoàn thành ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần; thúc đẩy các ngân hàng thương mại hai nước sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán biên mậu phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế…

Trong phần thảo luận tại Diễn đàn, các diễn giả và đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Việt Nam xoay quanh việc cấp thị thực, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi, những quy định về thuế trong những lĩnh vực cụ thể mà những doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Campuchia.

Cũng có những ý kiến phản ánh về những vướng mắc trong kinh doanh tại Campuchia. Chẳng hạn như việc áp thuế thu nhập bất thường (Luật thuế Campuchia hiện nay ấn định thuế thu nhập bất thường với thuế suất 20% đối với các khoản như: tiền nhà ở cho công nhân, chi phí mua gạo, thực phẩm cấp thêm cho công nhân người Campuchia – PV) tác động lớn đến tâm lý của cán bộ, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trồng cao- su, đồng thời làm tăng suất đầu tư của các dự án.

Đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia, Bộ Thương mại Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam đã ghi nhận và hứa sẽ chuyển những ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của các doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia để sớm có phản hồi và tìm cách tháo gỡ.

Bên lề Diễn đàn, một số doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá sản phẩm, đặc sản của địa phương tới các doanh nghiệp Campuchia nhằm tìm kiếm bạn hàng, đối tác.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất