Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ

(01/10/2016 - 01:46:37)

Ngày 30/9, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã tổ chức hội nghị giao ban công tác .

Trong năm qua, ba Ban chỉ đạo ba vùng trọng điểm của cả nước đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức thành công các diễn đàn, hội nghị, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực cho sự phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo trên địa bàn ba vùng; kịp thời kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai, hạn hán, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Các Ban chỉ đạo cũng đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường, đánh giá tác động môi trường, khai thác liên kết phát triển vùng; đôn đốc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; kịp thời đề xuất quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy thợi; tăng cường chỉ đạo công tác tín dụng chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; công tác ổn định dân cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng với nhiều vấn đề quan trọng khác, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân ở địa bàn ba vùng; đôn đốc, chỉ đạo thực thiện Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; tăng cường công tác xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo, chủ động nắm tình hình, đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo; giữ vững ổn định chính trị...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, đến nay ba vùng vẫn còn gặp những khó khăn như quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhỏ, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và giải quyết đầu ra cho nông sản, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ của đội ngũ lao động thấp… Các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và tiến hành âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá gây mất ổn định ở địa phương.

Thời gian tới, các Ban Chỉ đạo thống nhất tập trung kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và an sinh xã hội; triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế, chính sách liên kết vùng; kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giảm nghèo hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng...

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất