Công bố dự thảo tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020

(05/09/2016 - 07:21:53)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố Dự thảo “Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020” để lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cơ quan liên quan.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, trong quá trình soạn thảo Đề án, Bộ đã ban hành Công văn số 4226/BKHĐT-QLKTTW ngày 14/6/2016 gửi: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước; Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị báo cáo các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 -2015 theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công, và đề xuất kế hoạch tái cơ cấu trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng thời, Bộ đã nhiều lần trực tiếp trao đổi, tham vấn rộng rãi với các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn độc lập, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và các nhà tài trợ có liên quan thông qua các cuộc hội thảo khoa học.

Mục tiêu trước hết của Kế hoạch là ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh; Duy trì ổn định lạm phát và neo ở mức 5%/năm, giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5-4% GDP.

Bên cạnh đó, nỗ lực giảm nợ công xuống mức dưới 62% GDP, củng cố dự trữ ngoại hối lên khoảng 5 tháng nhập khẩu. Cũng theo dự thảo kế hoạch này,  chất lượng môi trường kinh doanh dự kiến đạt mức trung bình ASEAN 3, tổng đầu tư xã hội khoảng 30-35% GDP và hàng năm dành khoảng 20-25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Với đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự thảo kế hoạch nêu mục tiêu nâng cao chất lượng, thu hút thành công ít nhất 150 trong số 500 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới, đồng thời mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân trong nước. Với thị trường tài chính, cần tập trung cắt giảm tỷ lệ nợ xấu bền vững và cắt giảm ngân hàng thương mại yếu kém, giảm lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển 5%.

Sau khi nhận ý kiến bộ ngành, kế hoạch tái cơ cấu sẽ được trình Chính phủ vào tháng 9/2016 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 khóa XIV./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất