Sửa đổi đề án ngoại ngữ 2020

(21/08/2017 - 02:55:15)

Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ ban hành đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 - 2025 trên cơ sở sửa đổi đề án của giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án ngoại ngữ 2020).

Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai công tác năm học 2017 - 2018 cho thấy trong năm qua số học sinh phổ thông học theo chương trình "tiếng Anh 10 năm" là 4.918.488 em, tăng đáng kể so với năm học 2015 - 2016. Trong đó, số học sinh THPT là 99.855/2.477.175 em (chiếm 4,03%), số học sinh THCS là 1.815.144/5.235.524 em (chiếm 34,7%), số học sinh TH lớp 3, 4, 5 là 2.175.517/4.670.935 em (chiếm 46,7%).

Bộ đã giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông với tổng số chỉ tiêu bồi dưỡng là 5.940 giáo viên; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên tiếng Anh theo Khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF.

Bên cạnh đó, đã tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ tại một số trường đại học, hệ thống trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trực tuyến; phát triển mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các đơn vị, đặc biệt là đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Các địa phương và cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết, vận dụng định dạng đề thi tiếng Anh đối với học sinh học chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; phối hợp với tổ chức, cá nhân, giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Giang...). Hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo.

Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thông qua việc đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9; bậc 3 đối với học sinh lớp 12; thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý) bằng tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh để nâng cao chất lượng, phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất