Lời giải tổng thể cho “bài toán” logistics

(17/04/2018 - 01:19:32)

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về Logistic. Hàng loạt yếu kém của hoạt động logistics mà đặc biệt là gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp đã được chỉ ra, cùng với đó là các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, các giải pháp Bộ GTVT đề ra là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa chủ phương tiện và chủ hàng nhằm hạn chế chạy xe rỗng trên cơ sở các sàn giao dịch vận tải; kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn; xây dựng các trung tâm đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các đầu mối vận chuyển hàng hóa...


Kết quả hình ảnh cho vận tải logistics

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ những điều kiện có tính áp đặt về quy mô, cản trở các chủ thể kinh doanh gia nhập thị trường; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị trường điều chỉnh, đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng sự phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến về tình hình dịch vụ logistics. Nhấn mạnh phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng,...

Thủ tướng bày tỏ quan điểm, khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, chỉ nhận định đơn giản đó là tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu trên đường bộ. Hiện vẫn còn tình trạng tới 40 - 50% xe vận tải hàng hóa quay về không chở hàng, làm sao chi phí không đội lên cao?

Cho rằng khái niệm logistics rất rộng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nắm rõ, đặc biệt ngành GTVT và Công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”. Trước tiên về thể chế, chính sách, cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào?

Về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics hiện nay vẫn chưa đồng bộ, Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Vậy cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư. Cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết của các chủ đầu tư, các công trình trên cùng một khu vực?”.

Thủ tướng nhận định, yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải cản trở lớn đến phát triển logistics ở Việt Nam, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%.

“Chúng ta dành nguồn lực xây dựng làm đường này, đường nọ, nhưng anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy, đường nào chịu tải nổi, nếu như không chuyển phương thức. Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, thiết bị máy móc, mà những chi phí dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như vậy không có biện pháp giảm xuống thì nền kinh tế mãi mãi không có tính cạnh tranh và nguy cơ chìm đắm “con tàu” kinh doanh là hoàn toàn có thể”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 -10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Vì thế, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành GTVT và Công thương với năm nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ GTVT, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo từng ngành, lĩnh vực.

Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB", nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ,...

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất