Phát triển cam vinh trở thành đặc sản của Nghệ An

(13/04/2017 - 03:13:44)

 
 

Ngày 12-4, UBND tỉnh Nghệ An cùng các ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, nhà vườn họp bàn giải pháp nâng cao chuỗi giá trị của cam Vinh để trở thành đặc sản.

Theo tin trên báo Nhân dân điện tử, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức một số lễ hội, hội chợ, tạo thuận lợi cho sản phẩm cam lan tỏa thương hiệu, gắn với các hoạt động của ngành du lịch, văn hóa. Nghệ An cũng sẽ quyết định thành lập ban chỉ đạo phát triển thương hiệu cam Vinh, từ đó tích cực triển khai các giải pháp hiệu quả và phù hợp trong thời gian tới.


                            Người dân thu hoạch cam

Cam Vinh đã trở thành một thương hiệu mạnh của Nghệ An và từng được xuất khẩu đến nhiều nước trong những năm cuối thế kỷ XX. Năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 ha, nhưng trên thực tế, hiện có hơn 6.400 ha với nhiều địa bàn, giống cam và rải vụ. Nghệ An quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha với sản lượng 87 nghìn tấn/năm... Nhiều diện tích cam đã được tổ chức trồng, chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP...

Kể từ sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Vinh đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến, giá cam cũng tăng mạnh. Từ bốn nghìn đồng/kg, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Vinh đã tăng lên 30 nghìn đồng/kg; đến nay là 40 đến 60 nghìn đồng/kg và có thời điểm còn cao hơn. Hiện, nhiều hộ, nhiều vùng miền núi Nghệ An đã khá lên nhờ trồng cam.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và tiêu thụ cam.

Tuy nhiên, việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ. Việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu chưa được tổ chức bài bản, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cùng đó, việc dán tem nhãn mác hàng hóa chưa được người dân quan tâm, chưa có những doanh nghiệp mạnh cùng người trồng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Người trồng cam còn manh mún; chưa quan tâm đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động...

Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay, người trồng cam chưa có trách nhiệm với chính sản phẩm của mình khi có một số hộ mua cam nơi khác phẩm cấp không cao về trà trộn với cam Vinh. Nhiều hộ đầu tư trồng cam ngoài quy hoạch, chồng lấn với quy hoạch cây trồng khác...

Theo bài báo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các địa phương cần vào cuộc tích cực với doanh nghiệp, HTX, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm cam. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng từ sản xuất đến bảo quản, chế biến đến tiêu thụ. Quá trình đó cần chú trọng in mẫu mã tem, nhãn hàng hóa cho cam theo hướng dễ hiểu, dễ truy xuất nguồn gốc sản xuất và tuyên truyền sâu rộng về sản phẩm cam của Nghệ An. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết với các hộ trồng cam theo mô hình cam sạch, tiêu chuẩn VietGAP gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất