Xử lý nợ xấu ngân hàng yếu kém theo phương án riêng

(27/02/2017 - 07:56:04)

Theo Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành, đến năm 2020 phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình này là tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP.

Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng). Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP, doanh thu ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 4% GDP.

Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả....

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhất của Chương trình là nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong điều hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế. Điều hành tín dụng phù hợp, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; xây dựng Đề án chống đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2017.

Về triển khai nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng của Chương trình, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại; đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên).

Cùng với đó, khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được phê duyệt; Hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và ổn định, an toàn hệ thống; Chủ trì xây dựng và trình ban hành Luật cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong năm 2017; Tăng cường thanh tra, giám sát quản trị rủi ro các tổ chức tín dụng./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất