Kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt ngay cả khi không có TPP

(09/01/2017 - 02:26:37)

Liên quan đến tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định TPP của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, báo Đầu tư Online đã có bài phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Raymond Mallon - hiện đang tư vấn cho Chương trình cải cách kinh tế Australia - Việt Nam, về triển vọng kinh tế của Việt Nam khi có hoặc không có TPP.



Trả lời câu hỏi trong trường hợp không có TPP, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai sẽ ra sao. Ông Raymond Mallon cho biết:

Nếu TPP không được thông qua, thì điều đó sẽ làm giảm niềm tin trong khu vực đối với cam kết của Hoa Kỳ với châu Á.

Việc TPP không được thông qua có thể sẽ làm giảm tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có TPP, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong khi tỷ trọng của Hoa Kỳ trong tổng thương mại với Việt Nam có thể sẽ giảm bớt, thì Hoa Kỳ vẫn có thể là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2016, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch là 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam, với tổng kim ngạch là 8,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Raymond Mallon cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh các cải cách, tăng cường cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cho dù có vì cam kết TPP hay không, thì những nỗ lực như vậy là nhằm dỡ bỏ các rào cản đối với cạnh tranh, chẳng hạn như, giảm thiểu ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, cạnh tranh mạnh mẽ hơn chính là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất, cũng như đảm bảo rằng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được các cơ hội kinh tế đang lớn mạnh tại Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Raymond Mallon cũng đề cập đến động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Cụ thể là:

Hội nhập của Việt Nam vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu sẽ là động lực rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất và tiếp cận các thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.

Việc đảm bảo lợi ích bình đẳng từ các mạng lưới sản xuất khu vực sẽ đòi hỏi những mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp nước ngoài và nhà sản xuất trong nước. Điều này cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các thể chế thị trường, các kỹ năng nghề nghiệp và kết cấu hạ tầng.

Khi tầng lớp trung lưu lớn mạnh, thì vai trò của tiêu dùng nội địa trong việc kích thích tăng trưởng sẽ trở nên ngày càng quan trọng. Việc đảm bảo phân phối lợi ích một cách công bằng từ tăng trưởng kinh tế sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của tầng lớp trung lưu, kích thích nhu cầu trong nước về hàng hóa và dịch vụ. Việc phụ thuộc vào các hàng hóa chưa qua chế biến như gạo và dầu thô để làm chỗ dựa chính cho tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm đi.

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, ông Raymond Mallon cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng này. Lý do là, nông nghiệp đang lấy lại đà tăng trưởng, trong khi cầu hàng hóa trong nước đang tăng mạnh, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn và bền vững đang vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức, như thiên tai và các rào cản về cấu trúc kinh tế, hay như việc thành công trong kinh doanh các ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục phụ thuộc phần nào vào một số cá nhân có quyền ra quyết định về phân bổ đất đai, giấy phép và hợp đồng. Sự khác biệt trong năng suất giữa lao động nông thôn và thành thị, giữa lao động nam và lao động nữ vẫn còn cao. Việc đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa, để mọi người đều có cơ hội như nhau.

 

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất