Quốc hội điều chỉnh Bộ luật Lao động (sửa đổi)

(25/11/2019 - 02:22:33)

Ngày 20-11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), với 17 chương, 220 điều. Trong số nhiều nội dung quan trọng của Bộ luật vừa được thông qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới những quy định tại Điều 169 về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng. Với điều kiện lao động tương tự, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ từ năm 2021 là đủ 55 tuổi 4 tháng, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng. Lộ trình điều chỉnh này sẽ được thực hiện cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ (vào năm 2035).

Ngoài nhóm lao động nêu trên, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong khi đó, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Với những quy định nêu trên, có thể thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã tính đến các yếu tố sức khỏe, điều kiện lao động, trình độ của những nhóm lao động cụ thể. Cũng chính vì đáp ứng được yêu cầu đó, ngay trong quá trình thảo luận về dự án Bộ luật này, các đại biểu dân cử đã cho rằng, nội dung dự thảo là phù hợp những yêu cầu thực tiễn khách quan cũng như định hướng về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được đưa ra tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hướng tới tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề được các chuyên gia lao động lo ngại nhất khi tuổi nghỉ hưu chưa được điều chỉnh là tình trạng già hóa dân số. Dù mới bước vào giai đoạn “dân số vàng” chưa lâu nhưng với tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, Việt Nam đứng trước “ngưỡng cửa” của giai đoạn dân số già. Sự biến động dân số theo hướng này được dự báo sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội như thiếu nguồn lao động trẻ, gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và các vấn đề liên quan an sinh xã hội khác. Điều đó đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp về chính sách. Tuy nhiên, những điều chỉnh này không chỉ nhằm ứng phó thách thức mà còn cần hướng đến tận dụng hiệu quả các cơ hội mà quá trình này mang lại, biến lực lượng dân số cao tuổi trở thành nguồn “lợi tức bạc” của quốc gia, như cách gọi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Và, một trong những giải pháp chính sách đã và đang được nhiều quốc gia lựa chọn chính là việc tăng tuổi nghỉ hưu, tạo thêm cơ hội để người lao động có nhiều thời gian tham gia hoạt động kinh tế - xã hội...

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất