Chương trình “Vui tết Trung thu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long”

(19/09/2017 - 09:02:42)

Ngày 28-9 sắp tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức một chương trình Trung thu đậm dấu ấn truyền thống dành cho thiếu nhi tại Hoàng thành Thăng Long (số 19 phố Hoàng Diệu, Hà Nội).

Phát huy những kết quả đã đạt được trong mùa Trung thu năm 2016, năm nay,Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tổ chức chương trình Vui Tết trung thu 2017 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Chương trình Trung thu năm nay tại Hoàng thành Thăng Long vẫn là một Trung thu mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với nhiều hoạt động bổ ích, lý thú, hấp dẫn đối với các em thiếu nhi. Đặc biệt là chương trình giáo dục học đường giúp các em học sinh có thể tìm hiểu về Trung thu xưa qua tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger và Bảo tàng Albert Kahn –  CH Pháp, đồng thời được gặp gỡ giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và trải nghiệm nhiều hoạt động tương tác nghề truyền thống, trò chơi dân gian.

Nội dung chương trình:

·         Các hoạt động trưng bày: Tái hiện không gian trưng bày đồ chơi Trung thu đầu thế kỷ XX được phục dựng qua hình vẽ của Henri Oger và những bức ảnh tư liệu quý của Bảo tàng Albert Kahn – Pháp, với các gian hàng đồ chơi Trung thu mang đậm tính truyền thống.

·         Biểu diễn nghệ thuật: Múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn, ca nhạc.

·         Trình diễn và tương tác: Bồi và tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn con thỏ, nặn tò he, tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng, làm đồ gốm (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống).

·         Các gia đình nghệ nhân tham gia: Gia đình bà Đinh Thị Tú Anh – nghệ nhân bánh trung thu (Hiệu bánh Phương Soát phố Hàng Đường); gia đình ông Hoàng Bá Nhất – nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ (Thuận Thành – Bắc Ninh); gia đình ông Vũ Văn Sinh – nghệ nhân đèn kéo quân (Thanh Oai – Hà Nội); gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến – nghệ nhân làm ông tiến sỹ giấy (Vân Canh – Hà Nội); gia đình ông Đỗ Văn Kỳ nghệ nhân làm đèn con thỏ, đèn ông sư (Thường Tín – Hà Nội); gia đình ông Lương Mạnh Hải nghệ nhân gốm (Bát Tràng – Hà Nội); ông Đặng Văn Tiên, nghệ nhân tò he…

·            Trò chơi truyền thống: Đi cầu tre gánh lúa (gánh lúa qua cầu), bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống.

·            Chương trình giáo dục học đường: Tham quan tìm hiểu: trưng bày về đồ chơi trung thu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Xem hình ảnh tư liệu về Tết Trung thu truyền thống qua hình vẽ của Henri Oger; Các hình ảnh sưu tầm tại Bảo tàng Albert Kahn Cộng hòa Pháp về đồ chơi Trung thu giai đoạn 1913-1916;

·            Gặp gỡ giao lưu: Trò chuyện cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về tết Trung thu cổ truyền; xem nghệ nhân giới thiệu và trình diễn làm đồ chơi Trung thu;

·             Trải nghiệm và tương tác: làm các đồ chơi Trung thu; tham gia các trò chơi dân gian; xem biểu diễn nghệ thuật: múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn, ca nhạc.

·            Chương trình Rước đèn phá cỗ trung thu: Với các hoạt động Múa sư tử, rước đèn đón trăng, văn nghệ, trò chơi, phá cỗ.


Chương trình sẽ kết thúc vào tối 4-10. Đây cũng là đêm "phá cỗ", với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất