Tín dụng tiêu dùng 2015 tăng mạnh nhất trong 5 năm

(18/05/2016 - 02:05:09)

Theo một báo cáo được công ty Stoxplus công bố ngày 17/5, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam năm 2015 tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, với dư nợ cho vay đạt hơn 15 tỉ đô la Mỹ.

Theo báo cáo này, dư nợ vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 10,5 tỉ đô la Mỹ tính đến tháng 12/2014 nhưng đã lên mức 15,12 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2015, tức tăng 44,1%. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ dư nợ tiêu dùng/GDP đạt 10,4% - tăng khá cao so với tỷ lệ 8,2% trong năm trước đó và chiếm 6,8% trong tổng dư nợ, cũng tăng cao so với mức 5,6% của năm 2014.

Theo phân tích của Stoxplus, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng bất động sản của tầng lớp có thu nhập trung bình. Sự chuyển đổi trong thói quen của người tiêu dùng từ hình thức vay mượn của người thân bạn bè hoặc thị trường tài chính không chính thống sang hình thức vay mượn từ các công ty tài chính đã mang lại những chuyển biến tích cực trong thị trường tín dụng.

Ngoài ra, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại cho vay bất động sản đã khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng nỗ lực tăng doanh thu trong phân khúc này thông qua việc giảm lãi suất. Điều này cũng đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh trong thị trường tài chính tiêu dùng, theo báo cáo của Stoxplus. 

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, 2015 là một năm đánh dấu sự bùng nổ của FinTech (các công ty ứng dụng công nghệ tân tiến vào ngành dịch vụ tài chính) tại Việt Nam với MoMo, Payoo, BankPlus hay 123Pay là những ứng dụng thanh toán trên điện thoại được sử dụng phổ biến bởi các công ty tài chính tiêu dùng và sự xuất hiện của các tên tuổi mới. Những doanh nghiệp này đang làm thay đổi hình thức thanh toán và mở ra kỷ nguyên ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay tại Việt Nam.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2015, tại Việt Nam có 16 công ty tài chính, trong đó có 4 công ty 100% vốn nước ngoài là Mirae Asset (Việt Nam), Home Credit Việt Nam, Prudential Việt Nam, và Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam. Sắp tới, dự kiến có sẽ có một số công ty tài chính mới trực thuộc các ngân hàng thương mại, như công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc ngân hàng SHB, cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động./.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất