Xuất khẩu 10 tháng tăng hơn 20%

(07/11/2017 - 10:21:59)

Sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt trên 20%, con số này đã vượt xa so với dự báo từ đầu năm. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Theo Bộ Công Thương, sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp lớn vẫn là từ phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó kể cả dầu thô, khối này đã đem về tới 125,5 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. ​Điểm nổi bật là khối doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhóm nông lâm thủy sản do khối doanh nghiệp trong nước chiếm đa số đã có sự bứt phá mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu sau 10 tháng ước đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương cho biết, đa phần các mặt hàng nhóm này đều tăng giá, trong đó đáng chú ý nhất là thủy sản bởi những tháng đầu năm, hàng loạt mặt hàng chủ lực của nhóm như cá tra, tôm gặp rào cản tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, nhưng nhờ sự chủ động đa dạng hóa thị trường, sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6%

Ngoài ra, mặt hàng gạo xuất khẩu cũng đạt 5,05 triệu tấn với 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hơn nữa, cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp nhưng tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao, phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, dệt may cũng đạt được nhiều thành tích nổi bật, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 154,2 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 28 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương mức tăng ước khoảng 5,25 tỷ USD.

​​Việc nhập khẩu tăng một phần là do việc nhập khẩu máy móc, thiết bị các tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh.​ Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 80,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, sau 10 tháng tăng 23,2% tiếp đến là châu Mỹ tăng 10,6% và chiếm tỷ trọng 7,3%, châu Âu tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 6,8%, trong đó EU tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 5,8%...

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2017 ước tính thặng dư 900 triệu USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 1,23 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD./.

Đọc nhiều nhất