Xuất khẩu tôm sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm 2019

(25/11/2019 - 02:50:29)

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi tăng trưởng dương trong 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2019 giảm 18% đạt 64,7 triệu USD. Tuy nhiên, tính tới 15/10/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 510,5 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam tích cực hơn từ tháng 5 đến tháng 8 do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất Việt Nam. Về cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn 83,3%, tôm sú chỉ chiếm 12,6%. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Mỹ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, có 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Đây cũng là động lực cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam duy trì xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ 8 tháng đầu năm nay đạt 7.098 tấn, trị giá 50,8 triệu USD, tăng 57% về khối lượng và 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, lần lượt chiếm 31%, 26%, và 25% tổng giá trị nhập khẩu tôm bao bột của Mỹ. Trong 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, Trung Quốc đang phải chịu thuế 25%, dẫn tới sản lượng tôm bao bột của Trung Quốc cung cấp cho Mỹ giảm mạnh 33% về giá trị và 27% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tôm bao bột là mặt hàng có tỉ suất lợi nhuận cao nên doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.

Đọc nhiều nhất