Vài nét kinh tế những tháng đầu năm 2017
(09/03/2017 - 08:37:35)
Điểm lại tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2017, báo Nhân dân Điện tử đăng bài viết của TS Nguyễn Minh Phong với tiêu đề “Vài nét kinh tế những tháng đầu năm 2017”. Về cơ bản kinh tế cả nước vẫn duy trì động lực tăng trưởng ổn định. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài viết tới bạn đọc.
Quý I năm 2017 sắp đi qua với nhiều điểm nhấn mới về kinh tế cho cả thế giới và Việt Nam. Điểm nhấn nổi bật gây quan ngại nhất và có thể gây hệ lụy trên toàn cầu của những tháng đầu năm là quyết định chính thức rút Mỹ khỏi TPP, được ký ngày 23-1-2017, tức sau ba ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng (ở mức 10% tổng chi NSNN năm 2018) và giảm chi viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố chi quốc phòng năm 2017 ở mức 7% tổng chi NSNN (khoảng 1,3% GDP), còn hạ mức tăng trưởng kế hoạch cả năm xuống 6,5% GDP, thấp nhất từ năm 1991 đến nay.
Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc đang có nhiều căng thẳng bất ngờ, với việc đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại Lotte ở Trung Quốc và Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã chỉ thị dừng hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc từ trung tuần tháng 3-2017, kể cả các gói hợp đồng đặt trước. Động thái trên được xem là một trong những biện pháp trả đũa nhằm vào Hàn Quốc sau khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Nước Anh sẽ kích hoạt Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình Brexit. Vì sự kiện này, theo dự báo mới nhất có điều chỉnh nâng cao hơn dự báo cuối năm 2016 của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm 2017 và 1,2% trong năm 2018, so với 2% vào năm 2016; còn khu vực dùng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với 19 nước được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Anh, với mức 1,6% trong năm nay và 1,8% tiếp theo. Lạm phát tại khu vực dùng đồng euro sẽ ở mức cả năm là 1%, tăng so với mức chỉ 0,2% trong năm 2016.
Kinh tế cả nước vẫn duy trì động lực tăng trưởng ổn định
Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có nhiều khởi sắc, với điểm nhấn tích cực vượt trội là sự gia tăng mạnh mẽ khách quốc tế đến Việt Nam (2 tháng đầu năm, ước tính khoảng 2,2 triệu lượt người, tăng 33% so cùng kỳ năm trước).
Nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ thời vụ Đông Xuân và tiếp tục tăng trưởng về sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Gieo trồng cây rau màu vụ chậm hơn do chi phí đầu vào tăng. Giá cả nông sản đang có hai xu hướng: Giá một số nông sản tăng (thanh long); trong khi giá một số giảm mạnh (chuối); đặc biệt, nguy cơ mất trắng mùa vải thiều vì thời tiết không thuận đang hiện hữu với 16.000 ha vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang. Thực tế đang đòi hỏi những giải pháp đột phá và lâu dài cả về công nghệ và thị trường tiêu thụ cho ổn định sản xuất và xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực Việt. Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới đây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam" là các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm, đặc sản đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.
Các ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng nhẹ, với hai tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước. Cả nước tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 35% về số vốn đăng ký mới, với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên hơn 22.400 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn với tổng số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lên tới 18.920 doanh nghiệp (trong đó, số phá sản là 2.524 doanh nghiệp, tăng 14,9%).
Dòng FDI có nhiều khởi sắc cả về vốn đăng ký mới, bổ sung và thực hiện. Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần hai tháng đầu năm 2017 đạt 3.407,4 triệu USD, tăng 21,5% so cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện tăng 3,3% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 72,8% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới.
Xuất khẩu tăng và mất cân đối ngoại thương cũng gia tăng áp lực. Kim ngạch xuất khẩu hai tháng ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều tăng mạnh, trong đó: Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 5,4 tỷ USD, tăng 13,2%; Trung Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 36,4%; ASEAN đạt 2,9 tỷ USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,3%; Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 31,9%.
Thị trường nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng cao ở các thị trường lớn. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,6 tỷ USD, tăng 35%; ASEAN đạt 3,6 tỷ USD, tăng 11%; EU đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,6%; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 31,4%. Riêng Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, giảm 0,2%.
Do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường bắt đầu vào chu kỳ sản xuất mới nên nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cao hơn tháng trước, cũng như do giảm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN, vì vậy, hai tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu 46 triệu USD (ngược với các năm 2013 - 2016, cán cân thương mại của Việt Nam đều có mức xuất siêu khá lớn từ 61 triệu USD tới 1,67 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,48 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,43 tỷ USD. Bộ Công thương đã cảnh báo cần thêm biện pháp quản lý nhập khẩu đối với một số mặt hàng đang tăng trưởng nóng (ô tô dưới chín chỗ, điện thoại di động và rau quả đều tăng khoảng 130% so cùng kỳ).
Ngoài ra, trong khi mức tăng xuất khẩu tích cực được ghi nhận ở sản phẩm gỗ tăng 7,7%; thủy sản tăng 2,5%; cà phê tăng 21,2%; rau quả tăng 31,1%; đặc biệt, nhờ giá tăng nên xuất khẩu dầu thô tăng 46,3% còn về lượng giảm 9,6%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm mạnh, như gạo giảm 21,4% (lượng giảm 18,4%); hạt điều giảm 3,3% (lượng giảm 19,7%); sắn và sản phẩm của sắn đạt giảm 15,9% (lượng giảm 6,4%); hạt tiêu giảm 27% (lượng giảm 7,4%).
CPI tăng, nhưng thị trường tài chính khá ổn định, cân đối NSNN được kiểm soát.
Tổng thu NSNN đến thời điểm 15-2-2017 ước bằng 10,9% dự toán năm; Tổng chi ước bằng 9,7% dự toán năm, cân đối thu chi NSNN được duy trì.
Tính chung hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 640 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6% (thấp hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2016).
Do áp lực cộng hưởng từ tăng giá xăng dầu, ga, viện phí và cước vận tải… nên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong ba năm qua, với CPI bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 5,12% và lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm nay tăng 1,69% so cùng kỳ năm 2016.
An sinh xã hội được quan tâm, nhưng tai nạn giao thông vẫn tạo áp lực và gây thiệt hại cho xã hội. Trong hai tháng đầu năm 2017, cả nước có 73,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 21,2% so cùng kỳ năm trước, tương ứng 298,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 20,5%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ T.Ư đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 5,3 nghìn tấn lương thực và khoảng 1,1 tỷ đồng. Khoảng 7,2 triệu phần quà với tổng trị giá gần 3,2 nghìn tỷ đồng được trao cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các đối tượng chính sách và 826 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo ăn Tết. Cả nước đã xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông, làm 1.570 người chết, 609 người bị thương và 2.051 người bị thương nhẹ. Bình quân mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tết năm nay xảy ra gần 53 vụ tai nạn giao thông, làm 29 người chết và 60 người bị thương.
Sự vào cuộc của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành ngày càng quyết liệt và có hiệu quả tích cực. Điều này được thể hiện qua hàng loạt quyết sách lớn, như ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; thành lập và nâng mức vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ 50 nghìn tỷ đồng lên 100 nghìn tỷ đồng; Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp định kỳ tháng 3-2017, "từ nay các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng", ngày 3-3, UBND tỉnh Cà Mau đã trả lại doanh nghiệp hai chiếc xe Lexus được tặng và ngày 4-3, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã làm thủ tục trả lại chiếc xe Toyota BKS 43A – 299.99 do một doanh nghiệp tặng Thành ủy Đà Nẵng và được bố trí phục vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Nhìn chung, dư luận đồng tình với chỉ đạo này của Thủ tướng để ngăn chặn sự lạm dụng và tránh các hiểu lầm trong sự minh bạch quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Một điểm tích cực khác là hoạt động quản lý bán hàng đa cấp được tăng cường, với kết quả Cục Quản lý Cạnh tranh đã chấm dứt hoạt động của bảy công ty bán hàng đa cấp chỉ trong hai tháng đầu năm 2017.
Đặc biệt, dư luận hoan nghênh sự quyết liệt và cụ thể trong Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg, ngày 28-12-2016, của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa DNNN. Theo đó, từ ngày 15-2-2017 đến hết năm 2020, tất cả 240 DNNN hiện có sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại danh mục và tỷ lệ vốn nhà nước cụ thể, chỉ còn 103 DNNN trong 11 lĩnh vực xổ số, ngân hàng, truyền tải, điều độ hệ thống điện, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, quản lý không lưu, in tiền do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về triển vọng, khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra năm 2017 là khá vững chắc, dù cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Điều này không chỉ dựa trên những kết quả thực tế trong thời gian qua, mà còn được ghi nhận bởi dư luận quốc tế.
Trang web kinh doanh Hoa Kỳ Forbes, hôm 5-1-2017, đăng bài của tác giả Ralph Jennings khẳng định năm 2017, kinh tế Việt Nam tiếp tục có đà phát triển tích cực nhờ Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA); đưa ra các luật lệ kinh doanh có tính cạnh tranh và có cơ chế tốt hơn giúp khu vực kinh doanh thuận lợi hơn, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang được mở rộng và đa dạng hóa, dần dần thay thế khu vực nhà nước trong một số lĩnh vực; thu nhập người dân được cải thiện; cơ cấu xuất khẩu được cải thiện mạnh mẽ, với tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo ngày càng tăng. Hàng điện tử đang thay thế các ngành truyền thống như may mặc và giày dép…
Thậm chí, hãng tư vấn quốc tế PwC (chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn quản lý tài chính, tư vấn thuế và pháp lý chất lượng cao) dự đoán, vào năm 2050, kinh tế Việt Nam sẽ lớn thứ 20 thế giới, với GDP bình quân đầu người lên tới 28.200 USD, so với 6.300 USD năm 2016 (xếp thứ 32) tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), tức vượt Italy (21) và Thái-lan (25) vào năm 2050. Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, với tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 5%. Ba nước này có lợi thế dân số lao động trẻ, tăng nhanh. Để đạt được tiềm năng, theo PwC, tăng trưởng của ba nước này cần được hỗ trợ bằng cải cách kinh tế bền vững, tăng cường các yếu tố kinh tế vĩ mô, định chế và giáo dục.
TS NGUYỄN MINH PHONG
- Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN: Cơ hội kết nối, hợp tác xúc tiến thương mại (14/03/2023 - 02:52:29)
- Xuất khẩu phân bón xác lập kỷ lục mới (25/10/2022 - 09:03:00)
- 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 (25/10/2022 - 09:00:21)
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất huy động và cho vay thêm 1% (25/10/2022 - 08:56:57)
- Thương mại điện tử đạt quy mô trên 16 tỷ USD (25/05/2022 - 08:20:41)
- Vingroup sắp xây nhà máy sản xuất cell pin hơn 8.800 tỷ (21/10/2021 - 08:12:53)
- Giải pháp 'mua sắm trước - trả tiền sau' trên ví điện tử (21/10/2021 - 08:09:41)
- Ngành Thuế tăng cường hỗ trợ quyết toán thuế qua mạng (09/03/2020 - 07:55:06)
- Năm 2019, thương mại 2 chiều Việt Nam-EU đạt 56,4 tỷ USD (20/02/2020 - 09:41:15)
- Gạo ST24 Việt Nam đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” (25/11/2019 - 02:29:43)
- Hải Phòng khánh thành tuyến đường đôi gần 1.300 tỷ đồng tại huyện Vĩnh Bảo (14/10/2019 - 07:02:01)
- Công ty Vedan Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp xuất sắc” tỉnh Đồng Nai năm 2019 (11/10/2019 - 10:25:17)
- Nhiều chính sách lao động có hiệu lực từ tháng 10/2019 (30/09/2019 - 04:37:29)
- Đã cắt giảm 211 Chi cục thuế trên cả nước (27/09/2019 - 01:17:08)
- Giá vàng hôm nay 24/9: Vàng 9999, vàng SJC lại tăng dựng đứng (24/09/2019 - 02:48:04)
- Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN: Cơ hội kết nối, hợp tác xúc tiến thương mại
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng trần lãi suất huy động và cho vay thêm 1%
- Xuất khẩu phân bón xác lập kỷ lục mới
- 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022
- Giải pháp 'mua sắm trước - trả tiền sau' trên ví điện tử
- Thương mại điện tử đạt quy mô trên 16 tỷ USD
- Vingroup sắp xây nhà máy sản xuất cell pin hơn 8.800 tỷ
- 6 tháng đầu năm, Hải quan TP. Hà Nội thu ngân sách đạt 10.422 tỷ đồng
- Gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sẽ có lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5%
- Tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng
- Chính phủ yêu cầu giảm lãi vay 0,5-1,5% cho nông nghiệp công nghệ cao
- Thu từ dầu thô đến 15/3 đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng
- Tính đến 15/3, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 216.700 tỷ đồng
- Australia và WB hợp tác hỗ trợ Việt Nam cải cách kinh tế
- Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác xã khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
- 5 tháng, du lịch Hà Nội thu về hơn 29,2 ngàn tỷ đồng
- Theo WB: Năm 2017, kinh tế Việt Nam khởi sắc và tăng trưởng cao
- Sẽ tăng giám sát ba tuyến phòng thủ ngân hàng Việt Nam
- Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm 980 tỷ đồng trái phiếu
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2017 giảm 0,53% so với tháng trước