Tranh thủ thuận lợi FTA giữa Việt Nam - EAEU

(17/10/2016 - 03:04:08)

Ngày 5-10 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VCUFTA) chính thức có hiệu lực. Điều này mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) nói chung và với từng nước thành viên; là khung khổ pháp lý để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN khối EAEU tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương trong thời gian tới. Đồng thời hiệp định đòi hỏi các DN phải tranh thủ nắm bắt mọi cơ hội, tận dụng lợi thế để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EAEU. Dưới đây là nội dung bài viết về vấn đề này trên báo Nhân dân điện tử.

EAEU bao gồm năm nước thành viên (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và Ác-mê-ni-a) có quan hệ chính trị - kinh tế truyền thống với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương năm 2015 giữa hai bên đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so năm 2014. Tuy nhiên nếu tính về tỷ trọng chung, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng nhập khẩu của khối này và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên minh chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối.

Việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên với EAEU mở ra một cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của DN hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và sẽ là một cửa ngõ thuận lợi để thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong EAEU. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu (trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực) là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Cụ thể, theo hiệp định, đối với dệt may, 82% tổng số dòng thuế cam kết, cắt giảm, 42% xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa trong 10 năm, 36% xóa bỏ hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực; đối với giày dép, 77% tổng số dòng thuế được cắt giảm, 73% xóa bỏ hoàn toàn, lộ trình tối đa 5 năm; đối với thủy sản, 95% tổng số dòng thuế được cắt giảm, lộ trình tối đa 10 năm, trong đó 71% có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm 2010-2012 của Việt Nam sang Liên minh), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu; chè nguyên liệu (xanh, đen) và cà-phê nguyên liệu (chưa rang) được hưởng mức thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (EAEU không cam kết giảm thuế với chè xanh đóng gói dưới 3kg và cà-phê rang); đối với đồ gỗ, 76% tổng số dòng thuế được cắt giảm, 65% dòng thuế được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% tối đa trong 10 năm; đối với nhựa và cao-su, 100% tổng số dòng thuế được cắt giảm, 97% hưởng mức thuế nhập khẩu 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực... Bộ Công thương cho biết, nhóm ngành hàng có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu từ tác động của hiệp định là dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ, thủy sản, rau quả, cà-phê, chè...

Để các DN hai bên tận dụng lợi thế từ hiệp định nhằm tăng cường thương mại song phương, Việt Nam và EAEU đã ban hành nhiều văn bản tạo thuận lợi cho việc thực thi hiệp định.

Với sân chơi VCUFTA, cơ hội cho DN Việt Nam là rất lớn song một lẽ đương nhiên là có rất nhiều thách thức. Trước hết, phải nhìn thẳng thực tế là kim ngạch thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước EAEU còn quá thấp so tiềm năng và so nhiều đối tác khác của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, thấy rõ nhất là các hạn ngạch xuất khẩu được hưởng mức ưu đãi thuế quan của EAEU không rơi vào những sản phẩm vốn là chủ lực của Việt Nam. Các DN thì đánh giá, EAEU có các quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao để bảo hộ hàng hóa nội địa của các nước thành viên. Đại diện Đại sứ quán Bê-la-rút tại Việt Nam cho biết, thị trường Bê-la-rút rất quan tâm việc nhập khẩu các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam, nhất là tôm, cá...

 Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường của DN Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn do các nhà nhập khẩu Bê-la-rút chưa quen thuộc với những thương hiệu thủy sản Việt Nam. Do đó, Bê-la-rút khuyến khích các DN Việt Nam tăng cường khả năng chế biến và đóng gói sản phẩm tại các xí nghiệp ở nước này thông qua liên kết hợp tác với DN nội địa hoặc DN tại Bê-la-rút.

Đọc nhiều nhất