Top 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2017

(27/04/2018 - 08:39:58)

Trong danh sách TOP 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, chiếm 39,5% tổng lượng xuất khẩu, với sản lượng 2,29 triệu tấn tiếp đến là Philippines và Malaysia, Ghana, Cuba, Băngladesh, Bờ biển ngà, Iraq, Singapore, Hồng Kông.

Năm 2017, gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường Châu Á chiếm 68,41% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến là thị trường Châu Phi chiếm 14,93% và thị trường Châu Mỹ chiếm 6,54%, Châu Đại Dương chiếm 5%.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2017, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu về thị trường xuất khẩu  gạo của Việt Nam với 39,5% tổng lượng xuất khẩu, đạt 2,29 triệu tấn.

Các thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 thuộc về Philippines và Malaysia với sản lượng lần lượt  552,9 nghìn tấn, tăng 40% so với năm 2016; sang Malaysia đạt 532,2 nghìn tấn, tăng 97,3%.

Năm 2017, xuất khẩu gạo đã thành công trong tăng trưởng trở lại ở các thị trường Nam Á là Bangladesh và Iraq.

Tính chung 2 thị trường này, xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt khoảng 16,1 nghìn tấn thì năm 2017 đã đạt 373,5 nghìn tấn. Thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Ghana, Cuba, Bờ Biển Ngà, Singapore, Hồng Kông.


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thị trường cả về giá cả và yêu cầu chất lượng trong khi các thị trường nhập khẩu lớn tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách tự cung lương thực, đa dạng hóa nguồn cung.

Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm giữa tháng 5/2017, xuất khẩu gạo đã duy trì xu hướng tích cực do tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã làm sản lượng lúa gạo giảm mạnh tại một số nước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gạo tăng mạnh.

Kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,79 triệu tấn, tăng 20,4% so với năm  2016, trị giá đạt khoảng 2,62 tỷ USD, tăng 21,2%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng 0,7%, tương đương mức tăng 3 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016./.