Thị trường hàng Tết tại Hà Nội ổn định, sức mua tăng mạnh

(23/01/2017 - 04:25:32)

Từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua hàng Tết tại thị trường Hà Nội tăng mạnh. Do các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có sự chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, cho nên giá cả ổn định, chưa có dấu hiệu khan hàng, găm hàng tăng giá.

Càng gần Tết, sức mua tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị ở Hà Nội tăng đột biến so với những ngày trước đó. Lượng người đến mua sắm khá đông vào tất cả các khung giờ, nhưng đông vui nhất là buổi tối. Các siêu thị, trung tâm thương mại đã bổ sung, chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, dồi dào, khai thác thêm các nguồn hàng nhập khẩu, đặc sản vùng miền… Các mặt hàng phục vụ Tết như giỏ quà biếu, bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu, rượu, bia... được bày ở những vị trí dễ nhìn nhất. Năm nay, nhiều siêu thị bày bán sẵn mâm ngũ quả, mâm cỗ Tết… với nhiều mức giá khác nhau, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng bận rộn, ít thời gian.

Lượng hàng hóa Tết cho thị trường Thủ đô năm nay phong phú, trong đó tỷ lệ hàng sản xuất trong nước cao hơn hẳn các năm trước. Trong các siêu thị, tỷ lệ hàng sản xuất trong nước chiếm từ 80 đến 90%, tập trung vào các ngành hàng như thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, rau củ quả, hàng tiêu dùng. Tại các siêu thị lớn khu vực nội thành như Vinmart, Fivimart…, bên cạnh hàng sản xuất trong nước, có khối lượng đáng kể hoa quả, sữa, bánh kẹo, đồ uống nhập khẩu với sức mua khá lớn, chủ yếu phục vụ nhu cầu biếu tặng.

Dù sức mua đang "nóng" lên từng ngày, nhưng nhìn chung, giá hàng hóa Tết năm nay khá ổn định, ít có khả năng tăng giá đột biến. Một số mặt hàng như thịt lợn, gạo, rau ăn lá… giá còn thấp hơn thời điểm trong năm, do đang vào vụ thu hoạch.

Tết năm nay, mặc dù TP Hà Nội không bố trí vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, nhưng các đơn vị vẫn chủ động sử dụng nguồn vốn huy động và vốn của doanh nghiệp để tích trữ hàng hóa, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, trứng, thủy hải sản chế biến, thực phẩm tươi sống… Tổng công ty Thương mại Hà Nội dự trữ mười mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng, bố trí 133 điểm bán hàng bình ổn giá. Hệ thống siêu thị Fivimart dự trữ hơn 250 tỷ đồng hàng bình ổn giá… Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 18 phiên chợ hàng Việt phục vụ Tết, các tuần hàng Việt, chợ hoa Tết, chợ Xuân và hàng trăm chuyến bán hàng lưu động phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp. Sau khi mua sắm tại chợ Tết do Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức tại chợ Mỹ Cầu, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, chị Nguyễn Thị Tâm (ở thôn Vọng Tân, xã Đồng Tân) nhận xét: “Các mặt hàng tại chợ Tết rất phong phú, mức giá phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn”.

Bên cạnh việc dự trữ, cung ứng hàng hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại đều tăng cường nhân viên thu ngân, mở thêm quầy thanh toán, giúp khách hàng thanh toán nhanh chóng. Sở Công thương Hà Nội thành lập các đoàn kiểm tra siêu thị, chợ, trung tâm phân phối, cửa hàng tiện ích… trên địa bàn để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình giá, nguồn hàng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện giúp người dân Thủ đô yên tâm mua sắm Tết.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất