Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lên tiếng về đề xuất tăng thuế VAT lên 12%

(21/08/2017 - 01:30:06)

Xung quanh đề xuất tăng thuế VAT lên 12% của Bộ Tài chính, báo điện tử Vneconomy có bài viết nêu ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia. Cụ thể như sau:

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm CVI, cho biết, nếu tăng thuế VAT thì các chi phí đầu vào sẽ tăng dẫn đến giá hàng hoá sẽ tăng theo. Về quy luật, VAT đánh vào người tiêu dùng, tức sẽ phải mua hàng hoá với giá đắt đỏ hơn. Song thực tế, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại gián tiếp bởi người dùng họ chỉ nhìn vào giá trên bao bì, thấy giá cao quá thì họ tiết kiệm chi tiêu không mua nữa, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của công ty.

Đặc biệt, ông Hiệu còn cho rằng việc tăng thuế lên cao trong bối cảnh không kiểm soát chặt chẽ thu thuế sẽ dẫn đến vấn nạn trốn thuế gia tăng.

Ông Đặng Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần 999999999 - chuyên nhập khẩu các dòng xe ôtô sang cho biết với các doanh nghiệp nhập khẩu thì tăng thuế VAT tác động rất lớn đến giá cả hàng hoá bởi đây là loại thuế tính trên tổng của giá trị hàng hoá sau khi có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

VAT là loại thuế đánh vào người tiêu dùng nên nếu tăng thuế giá cả hàng hoá sẽ tăng theo. Với các hàng hoá nhập khẩu thì VAT thì giá sẽ tăng với biên độ mạnh hơn.
Không chỉ đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính mới đây còn kiến nghị tăng loạt các sắc thuế như Tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải… Đặc biệt, trước đó đề tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Huỳnh Thế Du đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết, so với các nước trong khu vực, gánh nặng thuế khóa ở Việt Nam đang rất nặng nề. Chi tiêu ngân sách đang rất lớn.

Năm 2016 tỷ lệ thu ngân sách/GDP chiếm tới 22,5%, cao hơn so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Philippines, Maylaysia, Trung Quốc và chỉ thấp hơn so với Nhật Bản. Tỷ lệ chi ngân sách ở Việt Nam năm 2016 chiếm tới 28,3% GDP và cũng cao hơn một loạt các nước kể trên, chỉ thấp sau Nhật Bản.

Ông Du cho rằng tỷ lệ này cho thấy gánh nặng thuế khoá nặng nề ảnh hưởng lớn tới người dân, doanh nghiệp và sức cạnh tranh trực diện của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp vốn sức cạnh tranh đã yếu, việc tăng thuế sẽ làm sức cạnh tranh của hàng Việt.

Ông Du khẳng định, việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để hiệu quả hơn chứ không phải là tiếp tục tăng thuế và tăng các nguồn thu, nhất là loại thuế đánh vào người nghèo, có tính lũy thoái như thuế VAT.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cho rằng, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi".

Ông Nghĩa cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu" nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất