Ngành dệt may còn nhiều thách thức khi gia nhập TPP

(27/06/2016 - 07:11:06)

Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Đây là con số được kỳ vọng sớm “cán đích” khi các Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Liên hiệp châu Âu - Việt Nam (EVFTA),… được ký, sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành dệt may tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp trụ cột của ngành hiện đang phải đối diện với tình trạng suy giảm cả về số lượng đơn hàng và giá xuất khẩu, việc đạt mục tiêu đề ra hết sức khó khăn.

Xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Thách thức của ngành dệt may trước “ngưỡng cửa” TPP” đăng tải trên báo nhandan.com.vn, chủ nhật ngày 26/6.

Trong năm tháng, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam mới đạt gần 8,5 tỷ USD, chỉ tăng 6,1% so cùng kỳ. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu mà đối tác đặt hàng có xu hướng không tăng, kèm theo đó là giảm giá xuất khẩu, trong khi chi phí sản xuất (giá nhân công, điện nước, phí bảo hiểm,…) gia tăng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, phân phối sản phẩm. Tình trạng này càng diễn ra nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ trong khu vực như: Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Băng-la-đét,…

Điều đó cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi các khách hàng đã và đang chuyển bớt đơn hàng sang một số nước như: Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Lào vì các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Trong khi đó, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%. Nếu không có gì thay đổi, lộ trình giảm thuế với cả TPP và EVFTA đến giữa năm 2018 mới có hiệu lực khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi trong quá trình cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế. Mặt khác, các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét ở “tầng trên” chúng ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm khắc phục những bất lợi do không là thành viên tham gia TPP, khiến sự cạnh tranh càng khốc liệt, và nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu, chắc chắn sẽ ngày càng “lép vế” trên thị trường thế giới.

Có thể thấy, một số FTA đã đàm phán xong, nhưng chưa xác định rõ thời gian hiệu lực, cho nên xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động lớn. Các nhà nhập khẩu đã và đang tìm đến nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí. Do đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của ngành dệt may dự báo chỉ đạt 29,5 đến 30 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Để vượt khó, các doanh nghiệp không thể “án binh bất động”, mà cần có những giải pháp rốt ráo để thay đổi tình hình, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho cạnh tranh, nắm bắt cơ hội khi TPP có hiệu lực.

Dệt may Việt Nam mới chỉ mạnh ở khâu may, các khâu còn lại như sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất chưa đáp ứng được nhu cầu, cho nên dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh cho khách hàng rất yếu, trong khi đó, giá nhân công của chúng ta lại đang tăng, yếu tố cạnh tranh bằng giá gia công thấp đã dần mất đi, tất yếu dẫn đến việc đơn hàng sẽ chạy về nơi có giá gia công thấp hơn như: Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma và nơi có dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh hơn như: Trung Quốc, Ấn Độ,...

Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tăng cường liên doanh, liên kết, đầu tư theo chuỗi; đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại; đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm mới, tăng năng suất lao động,… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những điều chỉnh về chính sách phù hợp, kịp thời, như chi phí vận tải, chi phí không chính thức tại các khâu hải quan, thuế, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, quy hoạch ngành, hạ tầng giao thông,… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển và vững bước vươn ra “biển lớn”.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất