Năm 2016, xuất khẩu dệt may chỉ đạt khoảng 28,5 tỷ USD

(22/12/2016 - 04:14:41)

Mặc dù đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2016 từ mức 31 tỷ USD xuống còn 29 tỷ USD, nhưng đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ chỉ đạt khoảng 28,5 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may tháng 11 chỉ đạt gần 1,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,9% so với tháng 10. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 11 tháng của năm 2016 đạt hơn 21,56 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của xuất khẩu ngành dệt may trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Còn theo ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2016 dự kiến chỉ đạt 28,023 tỷ USD do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, các nhà mua hàng thế giới rút ngắn kế hoạch mua hàng từ dài hạn thành ngắn hạn.

Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm sút ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…. Ngành dệt may Việt Nam còn đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Campuchia, Bangladesh… với nguồn nhân công rẻ và được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 0% (trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%).

Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong 11 tháng qua chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Từ giữa năm 2016, xuất khẩu dệt may tăng trưởng khá chậm, mức tăng trong khoảng 5-6%. Nhiều doanh nghiệp dệt may, trong đó có cả doanh nghiệp lớn rơi vào tình thế “ăn đong” và thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong khi đó, giá xuất khẩu cũng giảm so với năm 2015. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cũng đã dự báo khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm nay.

Các nhà kinh doanh đều hi vọng, EVFTA sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần của mình tại EU so với Campuchia, Bangladesh,… Do vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành dệt may đặt ra trong năm 2017 là xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hạn chế gia công và bán hàng qua trung gian.

Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may nội địa cần cải thiện công nghệ, nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của đơn hàng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu./.

Đọc nhiều nhất