Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều loại hàng hoá

(18/08/2017 - 02:52:12)

Tại cuộc họp báo do Bộ Tài chính tổ chức chiều 15/8, cơ quan này đã thông báo về đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó sẽ áp dụng hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều mặt hàng như nước ngọt, thuốc lá...

Theo thông tin từ cuộc họp báo, việc đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường.

Việc lạm dụng nước ngọt sẽ dẫn dến béo phì, trong khi đây là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim… Theo Bộ Tài chính, nhiều nước trong khu vực đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu tiêu thụ đặc biệt bao gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.

Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ hai phương án, một là áp mức thuế 10% từ năm 2019, hai là áp thuế 20% từ năm 2019.

Với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Với lý do hạn chế tiếp cận thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án áp thu. Phương án thứ nhất, áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo lộ trình, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%.

Như vậy, phương án này sẽ gồm thuế theo tỷ lệ như lộ trình và thu thêm mức tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án hai là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, phương thức kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối được nhiều nước phát triển áp dụng (khoảng 48 nước), nên đề xuất chọn phương án 1.

Tin liên quan
Đọc nhiều nhất