Cần thay đổi chiến lược về thị trường xuất khẩu gạo

(11/10/2016 - 04:29:21)

Trong bài viết đăng “Cần thay đổi chiến lược thị trường xuất khẩu gạo” trên báo Nhân dân điện tử hôm nay, tác giả đã nêu ra một số thay đổi chiến lược vè thị trường để ngăn chặn đà suy giảm và lấy lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo.

Thông tin cho biết, kết thúc quý III-2016, ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng sau sáu tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhờ nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng khá như rau quả, hồ tiêu, điều…

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ấy, gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhiều năm trở lại đây, tiếp tục gặp khó, khi xuất khẩu chín tháng qua sụt giảm đến 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,76 triệu tấn, với giá trị 1,69 tỷ USD và đứng trước nguy cơ bị thu hẹp thị trường.

Nguyên nhân xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị, trước hết do giá gạo xuất khẩu của thế giới nửa đầu năm nay giảm mạnh, như Thái-lan giảm giá 10,5%, chỉ còn 440 USD/tấn. Cùng với việc một số nước trong khu vực và trên thế giới giảm nhập khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam, như Trung Quốc giảm 21,6%, Phi-li-pin giảm 66,4%, Ma-lai-xi-a giảm 54,8%, Xin-ga-po giảm 36,3% và Mỹ giảm 37,6%... Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, triển vọng tăng tốc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường này là không nhiều.

Vì vậy, để ngăn chặn đà suy giảm và lấy lại tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu gạo, chúng ta cần thay đổi chiến lược về thị trường. Theo đó, ngoài những thị trường truyền thống mà dư địa tăng trưởng không còn nhiều, phải chuyển hướng tìm những thị trường mới, có tiềm năng hơn. Thí dụ như các nước châu Phi, nơi có nhiều cơ hội cho những loại gạo phân khúc trung bình và mức giá vừa phải, đáp ứng được yêu cầu của các nước trong khu vực này. Hơn nữa, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản từng có tiền lệ: Khi các thị trường chủ lực hết dư địa và khó khăn trong tăng trưởng, nếu kịp thời chuyển hướng chiến lược để khai thông thị trường mới thì tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí mở rộng hơn, như mặt hàng vải quả, thanh long là những thí dụ điển hình.

Nhìn rộng ra cả ngành nông nghiệp, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và nhìn nhận về phát triển lúa gạo trong tương quan với các ngành hàng khác. Có nhất thiết sản xuất một lượng lương thực dư thừa bằng 30% sản lượng để bảo đảm an ninh lương thực, trong khi người nông dân trồng lúa có giá trị gia tăng rất thấp? Nên chăng tập trung nguồn lực cho một số ngành hàng nông sản xuất khẩu đang có nhiều lợi thế, như thủy sản, rau, hoa quả…?